Vừa vào sới, “võ sĩ” Bạch nhạn lao tới xông phi, đạp vào ngực làm Ô tía loạng choạng. Không để đối phương kịp hoàn hồn, Bạch nhạn lại tấn công, “buông” liền ba “quả” nữa… Cả sới hò reo, vỗ tay ầm ầm, khen chú gà thiện chiến. Chủ của Bạch nhạn thì hả hê lắm bởi “lính” của mình đã “đền đáp” công sức cả năm trời chăm bẵm, huấn luyện.
“Kê quyền” so tài
Trận “thư hùng” giữa chú gà Ô tía và Bạch nhạn trên là một trong những trận đấu mà tôi không sao quên được trong một lần du hội mùa Xuân. “Võ sĩ” Ô tía có màu lông đen tía, tướng mạo dữ dằn, đùi to, chắc. Còn Bạch nhạn lông trắng, chân vàng mắt xếch, mặt mày thanh tú, nhanh nhẹn.
Vừa xung trận, cả hai đã dùng những miếng đánh sở trường phía đối phương. Bạch nhạn liên tiếp có những cú đấm, những cú song cước vào bả vai, ngực con Ô tía. Không để đối phương bắt nạt, Ô tía đáp trả bằng những đòn mé, đòn hầu dọc khá ác độc. Nó áp sát con Bạch nhạn không cho ra đòn và liên tiếp dùng chân và mỏ đánh tới tấp vào mặt đối thủ.
Sang hồ hai [thời gian của mỗi hồ thường dài 15 phút, nghỉ giữa hồ là 5 phút - pv], Bạch nhạn chủ động giữ khoảng cách và dùng những miếng song cước sở trường của mình với đôi cựa sắc đá vào ngực đối phương, nhiều pha làm Ô tía ngã dúi dụi.
Bị dính đòn, Ô tía hăng máu, cố áp sát và ra những đòn liên tiếp vào con Bạch nhạn. Lúc ấy, Bạch nhạn chỉ còn nước lo chống đỡ và thi thoảng đánh vài đòn vu vơ theo bản năng. Cái đầu thon và cặp mắt vốn nhanh nhẹn, tinh nhanh là thế mà đến cuối hồ hai đã be bét máu me, húp híp.
Hết hồ, những người chủ gà như những bác sĩ thú y, thoăn thoắt khâu vết rách ở mí mắt. Họ dùng khăn mặt thấm nước lạnh lau, vỗ vào những vết máu, chườm những vết bầm dập trên cổ, đầu “võ sĩ” của mình để giúp chúng thư giãn, giảm đau và tỉnh táo…
Vừa bước vào hồ 3, Bạch nhạn đã lập tức lao tới, xông phi đạp vào ngực làm con Ô tía loạng choạng. Không để đối phương kịp hoàn hồn, Bạch nhạn lại xông tới buông liền ba quả nữa vào ức.
Cuối hồ, Bạch nhạn kết thúc trận đấu bằng những cú song cước, dọc hầu, cựa đâm thái khiến Ô tía chỉ còn nước chạy vòng quanh sới, “xin” thua.
Kỹ nghệ luyện “đấu sĩ”
Khi đám người quanh sới chọi đã vãn, Trần Văn Tuấn, chủ của chú Bạch nhạn mới có thời gian để tiếp chuyện với người khách hiếu kỳ, đang chăm chú nhìn anh đang cầm khăn lạnh, chườm lên mình chú gà chiến thắng.
Tuấn kể, anh sinh ra ở Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội). Được thừa hưởng niềm đam mê chọi gà từ người cha. Bởi thế, ngay từ nhỏ đã để ý cách luyện gà chọi.
Theo lời anh, để có được “gà chiến” ưng ý, người chơi phải chọn được giống gà chọi nòi, lông mượt, đầu và đùi to, mắt to, xếch, nhanh nhẹn.
Khi đã chọn được gà con, người chơi còn phải chăm bẵm chúng rất công phu. Những “võ sĩ” tương lai được cho ăn đúng bữa, điều độ. Thông thường, thức ăn của gà là thóc, tuyệt đối không được cho gà chọi ăn cám công nghiệp.
Khi gà trưởng thành, anh Tuấn lại phải lựa ra những chú gà chân phải sạch, có vảy đều, cựa sắc, mỏ cân đối với mặt. Theo anh, gà mỏ nứa thì nhanh, mỏ quặp thì bền sức. Người chơi gà bằng kinh nghiệm cũng phải nhìn mặt gà mà đoán độ lì và thông minh của chúng.
Ông Nhân, một người chơi gà lâu năm ở Hà Trì (Hà Đông) thì cho hay, cái quan trọng nhất đối với một con gà chiến là “nhất khoẻ, nhì tài”. Bởi thế, người chơi phải đặc biệt chăm lo đến “bữa ăn, giấc ngủ” của con gà, theo dõi phân, diều, tiếng gáy… để xem chúng có bị bệnh hay không để chữa trị hoặc loại bỏ.
Sau lần chọn cuối để tìm ra “võ sĩ,” người chơi phải “chạy hơi” cho chúng bằng cách dùng bao da bịt mỏ, quấn chân gà. Công việc này cứ làm 10 ngày 1 lần, để luyện cho gà “có hơi có sức.”
Bữa ăn của những chú gà nòi này khi huấn luyện cũng được cải thiện. Ngoài thóc, những ông chủ thi thoảng phải móc hầu bao mua sâm, thịt hoặc bổ sung B1 nếu thấy gà mệt mỏi, kém ăn.
Ngoài việc chạy hơi, gà còn phải được “om chườm” cho “ngấu.” Ở công đoạn này, tuần một lần, người chơi thường lấy lá tre, rượu, vỏ cây gạo, ngải cứu, nghệ đun lẫn. Sau khi nước sôi, để ấm rồi dùng khăn mặt thấm nước ấy, chườm đắp vào cơ thể gà để cho gà rắn rỏi và da có độ lì.
Sau 10 tháng kể từ khi mới nở, các chú gà chiến đã có thể thi đấu “giao hữu” bằng cách cho “vần” (đánh tập) ở sới nhà. Đây là cách để chú gà chiến tích luỹ thêm kinh nghiệm trận mạc và cũng là để chọn ra “võ sĩ” xuất sắc nhất đem du đấu.
Ông Nhân cũng buồn buồn cho hay, xưa kia, chọi gà thường được tổ chức vào những ngày hội mùa Xuân. Khi ấy, những lời ca tụng, thán phục các miếng “kê quyền” vốn là “độc chiêu” không thể dạy dỗ trong quá trình luyện tập của loài gà lại râm ran quanh các sới chọi.
Đó là một thú vui dân dã bình dị, một nét đậm trong bản sắc văn hoá đã từ lâu tồn tại trong lễ hội nông nghiệp của làng xã Việt Nam.
Còn bây giờ, người ta có thể gặp chọi gà ở bất cứ đâu. Người chơi, đôi khi cũng không phải bỏ công chăm sóc gà mà chỉ móc ví, trả cho những chú gà chọi chiến với cái giá cao ngất ngưởng. Những chú gà ấy cũng không lâm trận một cách “vô tư” để đem về giải Nhất cho chủ chỉ là bao thuốc, lá cờ ghi nhận như xưa mà, phục vụ cho mục đích cá cược.
“Tiếc thay, thú chơi thượng võ đang mất dần đi vẻ tao nhã vốn có của nó…,” ông Nhân thở dài./.
|