[Tản mạn] Những vấn đề xung quanh con gà đá

 Phúc đáp Phúc đáp
Tác giả
  Chủ đề Tìm kiếm Tìm kiếm Chủ đề  Lựa chọn cho Chủ đề Lựa chọn cho Chủ đề
thelanqb Xem...
Thiếu niên
Thiếu niên
Hình đại diện

Gia nhập: 30/03/2011
Khu vực: đây chứ đâu
Tình trạng: Offline
Điểm: 2722
Lựa chọn cho Bài viết Lựa chọn cho Bài viết   Lượt cám ơn (1) Lượt cám ơn(1)   Trích dẫn thelanqb Trích dẫn  Phúc đápPhúc đáp Liên kết trực tiếp tới Chủ đề này Chủ đề: [Tản mạn] Những vấn đề xung quanh con gà đá
    Ngày đăng: 09/06/2012 lúc 8:00pm

gà nòi trong lịch sử và sinh hoạt

Phần I

Gà nòi trong lịch sử và sinh họat.
Muốn hiểu rõ hơn về truyền thống đá gà tại Việt nam thì cần phải hiểu thấu đáo chữ "Nòi" trong văn chương bác cổ. Chữ "Nòi" được dùng cách đặc biệt để nói về truyền thuyết xuất xứ của người Việt ngày nay. Bốn chữ "Nòi Giống Tiên Rồng" mang một ý nghĩa sâu đậm về nguồn gốc và bản sắc dân tộc. Truyền thuyết "Tiên Rồng" được dùng để nói đến người Việt ngày nay là hậu duệ của "Cha Rồng" và "Mẹ Tiên" một giòng dõi có một không hai trong lịch sử nhân loại. Có nhiều điểm tương đồng khi nói đến giống Linh vật như rồng và gà nòi. Rồng là một Linh vật có những đặc điểm nổi bật như sức mạnh vô song, dũng cảm trước kẻ thù và không chịu khuất phục. Gà nòi cũng có những đặc tính tương tự nhưng rồng chỉ xuất hiện trong truyện hay truyền thuyết của văn chương nên gà nòi có thể nói là loài vật mang nhiều đặc tính như loài Linh vật nhưng lại rất gần gũi với con người. Có thể đó là một trong những lý do mà người Việt ưa thích nuôi gà nòi.

Trong lịch sử nước nhà, dân tộc Việt luôn luôn nổi dậy để chống bạo quyền và ngoại xâm không chịu khuất phục trước sức mạnh của ngoại xâm. Sự bất khuất và dũng cảm của dân Việt có những điểm tương đồng với sự bất khuất và dũng cảm của gà nòi. Nếu không kể đến rồng là biểu tượng trong tưởng tựơng thì có thể nói gà nòi là biểu tượng hoàn hảo nhất cho sự dũng cảm và bất khuất của dân Việt. Những người mê gà nòi là những người có những tánh nét đặc biệt hiếm có. Ngay cả những tay mê gà ở Mỹ cũng tự xem mình thuộc thành phần "special breed", (loài đặc biệt.)

Trong thời gian dịch cúm gà hoành hành tại Việt Nam vào năm 2003, chính quyền đã tịch thâu và hủy diệt một số gia cầm rất lớn nhằm chận đứng bệnh dịch có thể lan tràn ra những vùng khác. Có những người yêu gà nòi đã bất bình thốt lên: "Gà nòi còn, nước Việt còn. Gà nòi mất, nước Việt mất". Câu nói này nói lên tinh thần bất khuất của gà nòi trong mỗi người dũng sĩ Việt Nam mà gà nòi là biểu tượng thực tế. Một khi lòng dũng cảm đấu tranh của con người mất đi thì tổ quốc của họ cũng sẽ bị mất. 

Mặc dầu được dựa trên một thành ngữ đã có sẵn và thay đổi hai chữ “tiếng Việt” thành hai chữ “gà nòi” trong câu "Tiếng Việt còn, nước Việt còn, tiếng Việt mất, nước Việt mất" nhưng nếu xem lại lịch sử nước nhà trong quá trình dựng nước và giữ nước, Việt Nam đã đánh bại nhiều kẻ thù có khả năng về quân sự và nhân lực gấp bội lần. Những dũng tướng điều binh góp phần để bảo vệ giang sơn gấm vóc được biết trong lịch sử Việt Nam như Lê Văn Duyệt, Nguyễn Nhạc là những người am tường về cách nuôi cũng như thú chơi đá gà. Đặc tính can đảm của gà nòi có thể nói phần nào ảnh hưởng đến cá tính và gây phấn khích trong cuộc chiến nhưng nếu gà nòi bị tuyệt chủng hay mất đi thì tinh thần chiến đấu và sự hứng thú của người trong thời thế cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.

Trong nghệ thuật gà nòi, các tay chơi mới vào nghề tỏ sự kính trọng và khâm phục đến các sư kê và lớp đàn anh trong nghề lâu năm là một trong những đặc tính ‘bất di bất dịch’ trong võ thuật và truyền thống chơi gà nòi của người Việt Nam. Người chủ kê chỉ được các tay chơi gà biết đến nếu con gà lập được công trạng. Qua kinh nghiệm và cách săn sóc luyện tập mỗi một con gà nòi ra trường đều mang niềm tự hào cho người chủ kê. Các tay chơi gà thường bỏ nhiều thời gian chăm sóc gà nòi và đôi khi dẫn đến sự ham mê thái quá. Khi nghe tiếng một con chiến kê tài giỏi thì dầu xa xôi đến đâu cũng tìm đến và nài mua cho bằng được. Người chủ kê mà có một con chiến kê quý thì ngoài vấn đề tiền bạc bỏ ra, chủ kê còn giành nhiều thời gian để chăm sóc cho con gà của mình và đến nước này thì vai trò có thể đảo ngược lại và không biết người làm chủ gà hay gà làm chủ người. 
Người Việt Nam và các dân tộc Á Châu nói chung không muốn mất mặt cho dù bằng một lý do nhỏ nhặt nhất, trong lãnh vực này thì không kể sang hèn, giầu hay nghèo đều như nhau. Từ đặc tính văn hóa cổ truyền này, Đạo Kê được thành hình và ra đời. Nó là văn hoá của giưới thượng lưu biết chữ vì họ phải thông suốt những tài liệu đá gà đựơc viết bằng Hán văn hoặc Hán Việt như Kê Kinh. Kinh sách và tài liệu qúy báu thừơng chỉ đựơc lưu truyền giữa những giưới thượng lưu và có tính cách bí truyền không thoát ra cho người ngoài. 

Những người trẻ tuổi chập chững bước vào thú chơi đá gà thường "tầm thầy học đạo" trong quan hệ sư phụ và đệ tử. Đối với một sư kê thì nỗi sung sướng và tự hào lớn nhất của họ là khi dòng gà của mình ra trường đá thắng một con gà lừng danh khác đã có tên tuổi trên chốn giang hồ. Những trận gà "để đời" như thế được kể lại và truyền miệng trong giới mộ điệu, tên tuổi của họ được nhiều người nể nang và biết đến. 

Các sư kê thường giữ dòng gà riêng cho mình và không muốn thất thoát ra ngoài, đây là lý do tại sao gà mái gốc không được bán ra. Họ lo ngại khi dòng gà lọt ra ngoài sẽ giúp cho các đối thủ khám phá ra thế đá riêng của giòng gà đó và tìm cách khắc phục. Câu thành ngữ của ông bà ngày xưa “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng” không những chỉ áp dụng trong binh nghiệp mà còn được áp dụng trong phép đá gà. Các dòng gà nổi tiếng vô địch thường vô gía và không thể nào mua cho dù ngay cả từ bạn bè thân.

Ngày nay người Việt Nam vẫn tổ chức các buổi thi đá gà vào những dịp Tết đầu năm để giữ tập tục cổ truyền của cha ông. Các nông gia trong làng mạc cũng thường tổ chức những buổi đá gà để giao lưu và phát triển dòng gà của mình. 
Gây Giống và Tuyển Chọn
Cách thức nuôi gà nòi đòi hỏi nhiều công phu. Một cẩm nang trọn bộ về cách săn sóc và tuyển lựa gà nòi là một đề tài sâu rộng mà bài viết này không thể đề cập hết được. Tài liệu này chỉ trình bày những điểm căn bản để cho quý độc giả có một hiểu biết khái quát về gà nòi và những phương pháp ứng dụng sẽ được đề cập đến trong những phần sau.

Gây Giống.
Những con gà mái gốc vừa bền vừa dữ cộng với một số đặc tính trổi vượt khác về ngọai hình và diện mạo như đầu mỏ, trường đòn, vai vóc và sâu lườn sẽ được tuyển chọn. Gà mái gốc được chọn trong khỏang từ 1 đến 6 năm tuổi. Gà trống để đổ dòng là những con đã có thành tích vẻ vang ngoài trường gà, ít nhất là đã ăn từ 2 độ trở lên. Tuổi từ 1 năm rưỡi đến 5 năm và thuộc dòng gà khác. Thời gian để thả gà phối giống là từ cuối tháng Mười Hai trở đi cho đến đầu tháng Giêng. Các phần dinh dưỡng cao được thêm vào khẩu phần của cặp gà giống gồm có rau, trái, thóc lúa, các hợp chất vôi và tôm tép hay cá. Các dinh dưỡng này thường được vỗ cho gà khỏang 1 tháng trước khi cho chúng phối giống. Gà sẽ bắt đầu ấp và nở vào đầu mùa Xuân. 
Vòng lọai đầu :
Cách thức lọai gà trong vòng này tùy thuộc vào mỗi kinh nghiệm riêng của các sư kê. Tuy nhiên dựa theo “Kê Kinh”, một số các sư kê đã lọai bỏ gà con vào lúc 2 tháng tuổi nếu những con gà con này có vảy xấu. Có khỏang chừng 13 vảy xấu để các sư kê dựa vào đó để “xem gà xét vảy” để lọai bỏ.

Vòng lọai hai : Khi được 7 tháng tuổi, các con gà tơ sẽ phải vượt qua vòng hai. Những con bị vẹo lườn, vẹo cổ, và hở xương ghim (xương chậu bên dưới gần hậu môn) sẽ bị lọai bỏ.

ChuẩnBịHớtLông

Như đã trình bày; có nhiều lọai gà đòn khác nhau do đặc tính di truyền riêng của mỗi dòng. Có lọai gà nòi ít lông và trần trụi hơn lọai khác. Để chuẩn bị gà trước khi mang ra trường thì các tay chơi gà thường hớt lông đầu, lông tơ và lông dưới cánh. Thông thường thì gà nòi không cần phải hớt lông nhiều vì các phần như cổ, đầu và đùi thường trần trụi sẵn. Lông đầu và cổ của gà nòi dòn dễ gẫy nên sau nột vài lần xổ (vần) là gà thường trụi lông nơi đầu và cổ. Qúy độc giả có thể xem thêm quá trình trụi lông của gà tại đây 

Đối với những loại gà có nhiều lông và cần tỉa thì các bạn có thể tỉa như sau:

Đầu – Lông đầu thường được tỉa và hớt sát để các sư kê dễ bề mổ xẻ hút máu bầm và khâu vá. Ngoài ra, sự tỉa hớt cũng giúp cho gà không bị gà đối phương núm lông để đá.

Cổ và đùi – Lông ở cổ và đùi gà nòi thường được hớt để vô nghệ và thuốc cho da gà dầy dạn chịu được những cú đá hay cào (bằng móng) của gà đối phương vào những phần dễ bị trúng đòn như cổ, đầu, đùi và ngực. Gà còn đựơc tắm nghệ để teo mỡ. Qúy độc giả có thể xem thêm công thức thoa nghệ tại đây

Lông tơ – lọai lông này mọc dưới cánh bên trong nách gà và hai phía bên hông cũng như dưới bụng gà. Khi ra trận gà được hớt lông tơ mềm để sư kê hay nài nước dễ dàng trong lúc làm nước, lau rửa làm gà mát gà vì thời tiết vào những tháng gần Tết bắt đầu nóng, hơn nữa sẽ không làm gà thấm nước vào lông khó bay nhảy trong lúc thi đấu.

Lông ngực – Phần lông ở ngực thường được giữ nguyên không hớt.
Các Phương Pháp Tập Luyện
Đi hơi: Phương pháp này còn được gọi dưới nhiều tên khác như vần hơi, xoay hơi, xổ hơi, quần hơi v.v,… gà tơ vào khoảng 7 hay 8 tháng tuổi trở lên là bắt đầu vào việc tập luyện. Gà được bịt mỏ và cựa (nếu có) và chỉ có thể dùng cổ để xoay trở đối phương vì không dùng mỏ để cắn, ghịt gà khác để ra đòn. Phương pháp này giúp gà quen dần với sức chịu đựng, bền sức và giúp chủ kê khám phá ra tính nết và nước đá của gà nhà nếu nó thiện nghệ một mé hay hai mé khi xoay trở.

Chạy Lồng:
Xem hình bên. Quý độc giả có thể xem thêm phim video tại đây (Kích cỡ 2 MB)
Một con gà mồi sẽ được nhốt trong một cái bội tre, phía bên ngoài chụp thêm một cái bội tre lớn hơn để gà không thể mổ hay cắn lẫn nhau. Con gà bên ngoài sẽ chạy quanh bội gà vì tức khí và muốn tìm cách chui vào bên trong gặp đối thủ. Phương pháp này có thể tập luyện cả giờ và giúp cho gà phát triển bắp thịt nơi đùi và chân. 
Vô Nghệ: Tất cả gà chuẩn bị ra trường đều được vào nghệ có pha lẫn với các vị thuốc để giúp cho phần da lộ ra không những mau đỏ da thắm thịt mà còn giúp cho lớp da được chai sạn lại để chịu đòn. 
Dầm cán: Chân gà được ngâm vào một dung dịch thuốc pha với nước tiểu hay muối để giúp cho chân gà săn chắc lại. Có thể ngâm chân gà ngày hai lần sáng và tối mỗi lần 30 phút. Phương pháp này giúp cho các ngón chân và quản gà rắn chắc khi ra đòn đá đau và chắc hơn
Quần Sương: Các sư kê tin rằng sương buổi mai tinh khiết giúp cho gà khỏe mạnh trong lúc tập luyện. Mỗi sáng khi gà cất tiếng gáy đầu tiên là gà được thả ra sân sớm trong lúc trời còn đang tờ mờ để vươn vai, đập cánh gáy đi lại trong sân khi sương chưa tan.
Om: Gà được tắm rửa và xông hơi hằng ngày bằng khăn ấm với một nồi nước nấu bằng các vị thuốc Nam như trà xanh, gừng, ngải cứu, v.v,… để gíup gà khỏe mạnh. 

Xổ: Gà được cáp với gà cùng chặng, cùng tuổi để “đá thử sức” và tập cho quen dần với cách giao nạp, nhập trận thế và cách làm nước của sư kê. Mỗi lần xổ gà thường là một đến hai hiệp. 
Gà nòi có bộ xương rất lớn do đó muốn gà phát triển đúng mức cần phải có thời gian và đủ kiên nhẫn để gà lớn lên một cách bình thường. Trung bình vào một năm tuổi (12 tháng) là lúc gà đã cứng cáp và bắt đầu vào chương trình tập luyện chuẩn bị cho việc ra trường. Sau 6 tháng áp dụng những phương pháp huấn luyện trên, khi được 1 năm rưỡi (18 tháng) là gà đã rắn chắc như một thỏi sắt toi luyện và có nội lực và ngọai hình sung mãn sẵn sàng ra trường đụng gà khác. Các sư kê dầy dạn kinh nghiệm thường nuôi và tập luyện gà đúng độ mới mang ra thi đấu, trong khi các tay chơi gà trẻ tuổi không có nhiều kinh ghiệm và háo thắng hay ép gà đá non chưa đủ lực thường chịu thảm bại dưới tay các bậc đàn anh trong nghề. 
Cáp ĐộCách cáp độ gà ở Việt Nam rất khác nhau tùy theo từng địa phương. Tài liệu này không có đủ dữ kiện để phân tích chi tiết về sự khác biệt giữa các trường gà đang sinh hoạt đều đặn tại các miền Bắc, Trung và Nam. Những chi tiết trình bày trong tập tài liệu này được thu thập tại một số trường gà tiêu biểu và có thể không hoàn toàn đúng cho từng miền hay những trường gà cùng một địa phương. 
Tại miền Nam Việt Nam, trước năm 1975, (Năm 1975 đánh dấu một giai đoạn lịch sử Việt Nam khi chính quyền miền Nam mất quyền kiểm soát miền Nam về chính quyền miền Bắc. Cuộc chính biến này đã thay đổi nhiều trên đất nước và thú chơi đá gà cũng không thoát khỏi những thay đổi về cách thức và luật lệ sau năm 1975.) các tay chơi đá gà thường không dùng cân để cân trọng lượng của gà. Tuy nhiên, cũng có sới dùng cân, tỷ như sới gà của cựu Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ thì có dùng cân khi qua cổng. 
Thường thì các tay chơi gà định lượng con gà đối phương bằng cách dùng mắt quan sát để cáp độ. Những tay cáp độ gà sẽ mang gà ngồi vào bồ (vòng) có nơi đào lỗ sâu xuống đất để làm đấu trường, để so kè chiều cao và bề ngang của lưng gà để bắt chặng. Mỗi trường đá gà có những luật lệ riêng do chủ trường gà đặt ra. Có nơi cho phép chủ kê được đụng chạm, rờ tay trên con gà đối phương. Có nơi cấm không cho vì lý do an toàn cho gà của khách mang đến. 
Trong những nơi cho phép chủ kê được phép lấy tay để đo lưng con gà đối phương để đoán chừng "mấy phân xương" lưng, còn được gọi là "cái ngang" tức là chiều ngang của lưng gà. Những nơi không cho phép đụng chạm gà đối phương thì chủ kê phải dùng mắt để phỏng đoán chiểu ngang cũng như cân nặng của con gà kia. Trong trường hợp này chủ kê có quyền yêu cầu chủ kê phía bên kia kéo cánh xuống để quan sát kích thước lưng của con gà đối phương. Chiều cao của hai con gà được xem xét rất kỹ, thường thì hai con gà được chủ kê đâu lưng lại để so kè chiều cao và chiều ngang của lưng gà. 
Chủ trường sẽ đóng góp ý kiến thêm về cáp chặng để cho có độ gà đá. Gà có chiều cao hơn thường có lợi thế khi ra đòn, do đó các tay chơi gà có câu "một phân vai bằng hai phân xương"; có nghĩa nếu con gà có 2 phân (2cm) lớn chiều ngang hơn vẫn không bằng con gà tuy kém 2 phân ngang nhưng hơn 1 phân về chiều cao. Tuy nhiên trong vấn đề cáp độ, hai đơn vị đo lường về chiều cao và chiều ngang như thế bù qua xớt lại thì vẫn được coi là đồng chạng gà và có thể cáp độ được. 
Một phương pháp khác được gọi là "vô tay". Vô tay là thủ thuật dùng tay để nâng dưới lườn con gà đối phương lên để ướm chừng sức nặng. Các sư kê có kinh nghiệm có thể đoán chính xác trọng lượng con gà trên tay bằng cách này. Khi vô tay, sư kê cũng có thể đoán biết được thêm về gân cốt và quá trình toi luyện của gà cũng như sức chịu đựng của nó. Thí dụ như một con gà có lườn dài và sâu hình chữ V ( như lườn tàu đi biển) là loại gà có sức chịu đựng đứng trường bền bỉ. Nhưng phép vô tay không phải trường gà nào cũng cho phép. Sự cẩn trọng này rất cần thiết để đề phòng những kẻ ma giáo áp dụng xảo thuật điểm huyệt hãm hại gà đối phương trong lúc vô tay. Thường thì phép vô tay chỉ được áp dụng ở những trường gà mà mọi người đều là bạn bè thân quen. Trong những trận gà ăn thua lớn phương pháp "vô tay" không được áp dụng. 
Luật Trường Gà
Miền BắcLuật trường gà khác nhau tùy địa phương. Kế bên là bản nội quy trường gà của sới Yên Sở, miền Bắc Việt Nam.
Ở sới Yên Sở, mỗi hiệp đấu được ấn định là 15 phút. Nghỉ và làm nước là 5 phút. Không có giới hạn mỗi độ gà là bao nhiêu hiệp. Số hiệp của độ gà có thể được thỏa thuận giữa hai chủ kê. Các chi tiết như khớp mỏ, chắp lông, may mắt v.v. có thể khác biệt giữa các trường gà. 
Miền TrungỞ tại tỉnh Bình Định, mỗi một hiệp (ôm) được ấn định là 20 phút. Gà ra hiệp làm nước cho nghỉ 5 phút. Gà nòi ra trường cáp độ được phân loại theo sức nặng như sau : 
- Hạng nặng - trên 3.5 ký 
- Hạng trung - từ 3 đến 3.5 ký 
- Hạng nhẹ - dưới 3 ký 
Các trận đá gà thường được tổ chức vào dịp trước Tết và tiếp tục cho đến tháng Tư. 
Miền NamTại Sài Gòn, mỗi hiệp là 15 phút, làm nước nghỉ cũng 5 phút như các nơi khác. Các tay chơi gà thường dùng chữ "chặng" (đọc trại thành chạng) để phân loại gà thành 3 cỡ như sau : 
- Chặng Nhất: trên 4 ký. 
- Chặng Nhì: từ 3 đến 4 ký 
- Chặng Ba: dưới 3 ký. 
Trong khi phép phân chặng và cáp độ của gà đòn rất cầu kỳ và tốn thì gìơ thì phép cáp độ của gà cựa đơn giản và nhanh chóng hơn nhiều. Các tay chơi gà cựa thường dùng cân để cân trọng lượng của cả 2 con, vừa nhanh vừa giản tiện. Thường thì gà được cân tại nhà và cả hai bên đều đồng ý cáp gà qua điện thoại hay bằng miệng tại quán cà-phê hay các quán ăn rất nhanh chóng trước khi mang gà đến điểm hẹn để xem lại lần chót trước khi vào độ. Nếu cả hai bên đồng ý họ sẽ mang gà đến một điểm hẹn khác được dùng làm trường gà. Trận chiến kết thúc nhanh chóng cho các trận gà dùng cựa sắt để tránh sự theo dõi và bắt bớ của lực lượng công an, cảnh sát. Trước đây những trận gà cựa đá bằng cựa thật thường được cáp tại trường gần giống như lối cáp của gà đòn nhưng sau này không thông dụng do lệnh cấm của nhà nước nên hiện nay các trận gà cựa được tổ chức tại các trường di động. 
Đấu trường là nơi gà tranh tài trong những trận đá được gọi là "sới gà" (tiếng miền Bắc) hay "trường gà" (tiếng miền Nam). Các đấu trường ở miền Bắc và Trung đặc biệt dành riêng cho gà đòn. Thú vui đá gà ở Việt Nam mặc dầu vi phạm luật pháp và không được chấp nhận nhưng nhà nước cũng dễ dãi cho thể loại đá đòn. 
Trước năm 1975, hầu hết các trường gà tại miền Nam đều giành riêng cho gà đòn hay gà cựa. Có rất nhiều trường gà nổi tiếng quanh vùng Saigòn, Biên Hòa, Hóc Môn,...v.v. Các đại gia giầu có ở miền Nam thường thích đá gà cựa hơn vì có kết quả ăn thua nhanh chóng. Vào giai đoạn này gà cựa thường ra trận với cặp cựa thiệt của nó. Rất nhiều câu chuyện trong các sách truyện kể lại những trận gà cựa nổi tiếng trong những vùng như Cao Lãnh, Bến Tre và Bạc Liêu. 
Ngày nay, giới trẻ chơi đá gà cựa tại miền Nam thường gắn dao, căm nhọn để tranh tài cao thấp trong khi các tay chơi gà thuộc thế hệ lớn tuổi thường trung thành với môn đá đòn truyền thống. 
Hội Gà Nòi Việt Nam được thành lập không ngoài mục đích bảo tồn và phát triển giống gà nòi Việt Nam và văn hoá Đạo Kê. Qúy độc giả có thể tìm hiểu và tham gia hội chúng tôi trong Diễn Đàn. Dù với kinh nghiệm và hiểu biết hạn hẹp, chúng tôi cũng sẽ cố gắng giải đáp những thắc mắc ưu tư của quý độc giả.
Mục đích chính của việc nuôi gà chọi là sử dụng con trống vào việc huấn luyện và thi đấu. Đa phần gà mái và những con trống không thành công trong quá trình tập luyện cũng như thi đấu thường được giết thịt.
Đối với gà mái, từ khi nở ra, lớn lên con nào có ngoại hình "ngố" thể chất khoẻ mạnh, tính khí hung dữ và có một số đặc điểm ngoại hình qui định phẩm chất tốt sẽ được giữ lại làm gà mái sinh sản. Chúng được kiểm định qua vài lứa, nếu sản xuất ra được nhiều gà trống đạt thành tích cao thì tiếp tục sử dụng nhân giống, nếu không đạt thì bị loại bỏ, chuyến sang giết thịt.
Đối với gà trống, con nào có ngoại hình tốt, thể chất tốt, tính tình hung hăng thì được đưa vào huấn luyện, trong quá trình này người ta tiếp tục chọn theo các tiêu chí:
- Có thể chất tốt (có khả năng chịu đòn, gan lì, luyện tập và thi đấu bền bỉ).
- Có thế đánh hay, đòn đá đẹp và hiểm.
- Có khả năng tránh đòn tốt.
Tỉ lệ gà được huấn luyện thành công và trở thành gà thi đấu là rất thấp, chỉ đạt dưới 20% so với tổng số gà trống lúc nở ra.
Phân bố
Gà chọi được nuôi từ xa xưa ở nhiều địa phương thuộc tỉnh Bình Định. Đến nay, ước tính cả tỉnh có khoảng 1000 gà trống được tuyển chọn, huấn luyện và sử dụng làm gà thi đấu ở các cấp độ khác nhau. Tất cả các huyện và thành phố đều có nuôi và tổ chức trường đấu gà, song tập trung nhất là thành phố Qui Nhơn, Tây Sơn và Hoài Nhơn.
Chơi gà chọi cũng là hoạt động giao lưu văn hoá, cho nên giống gà chọi Bình Định hiện nay không chỉ tồn tại riêng ở Bình Định mà còn phát tán ra các tỉnh lân cận như Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hoà, Gia Lai, ĐakLak.
Gà trống thi đấu đạt thành tích cao thường được bán đi nhiều nơi trong và ngoài nước.
Phương thúc nuôi gà chọi và tổ chức chọi gà ở Bình Định
Người chơi gà chọi ở Bình Định Khá đông, song phần lớn là người nuôi gà trống với số lượng ít (1 - 3 con), có một số gia đình nuôi gà mái để tạo giống. Nếu có dòng mái tốt thì họ thường giữ độc quyền, không bán con mái ra ngoài mà chỉ bán con trống.
Chọn và nhân giống
- Chọn dòng mái tốt theo ngoại hình, thể chất (thường là những con mái dữ) và đời trước cũng như đời sau của nó có nhiều con trống đạt thành tích cao. Gà mái chọn nhân giống thường là đã đẻ một vài lứa và tuổi không quá già (<6 năm tuổi).
- Chọn gà trống có ngoại hình tốt và có thành tích cao, tuổi từ 1.5 - 4.0 năm, không đồng huyết với mái đã chọn.
- Bổ sung dinh dưỡng cho gà trống và gà mái đã chọn trong suốt một tháng trước khi giao phối.
- Tiến hành ghép phối (thường là vào cuối tháng chạp và đầu tháng riêng).
- Ấp nở: theo truyền thống, người ta thường cho gà nở vào mùa xuân bằng phương thức ấp tự nhiên do bản thân gà mẹ thực hiện với một vài động tác hỗ trợ của con người. Đã có một số thử nghiệm ấp bằng máy, song lại được đánh giá là chưa thành công, thể hiện ở nhược điểm là gà lớn lên có khả năng thi đấu rất kém.
Thức ăn và dinh dưỡng
Theo truyền thống, gà chọi Bình Định được nuôi dưỡng bằng thức ăn tự nhiên dạng nguyên, bao gồm: lúa, gạo, ngũ cốc, giun, dế, động vật thuỷ sinh, côn trùng cây cỏ,.... Ngày nay, người ta sử dụng thức ăn hỗn hợp công nghiệp để cho gà con ăn ở giai đoạn theo mẹ. Sau 1.5 tháng tuổi cho thêm lúa, gạo, cơm, ngô, ếch, nhái, lươn, thịt bò, lòng đỏ trứng, rau, giá,.... khi tăng lượng lúa thì rút dần cám công nghiệp , đến khi tách mẹ thì cho ăn hoàn toàn bằng lúa. Cho gà ăn làm hai bữa vào 9 giờ sdáng và 4 - 5 giờ chiều. Riêng gà con cho ăn tự do, gà tách mẹ ngoài hai bữa chính còn tự đi kiếm ăn. Gà lớn trên 6 tháng cho ăn thêm rau, giá, xà lách, chuối sứ, cà chua, mỗi tuần cho ăn thêm 1 - 2 bữa lươn hoặc thịt bò.
* Khẩu phần ăn cho gà con tách mẹ (cho ăn tự do):
- cám gạo : 10%
- bắp : 20%
- lúa : 30%
- Cá tươi nấu chín : 20%
- Rau( muống, cải, xà lách) : 20%.
* Khẩu phần cho một gà trống thi đấu/ ngày:
- Lúa : 0.25 kg.
- Rau, giá : 0.10 kg.
- Lươn, thịt bò : 0.10 kg.
Quản lý huấn luyện gà thi đấu
- Gà con được nuôi chung cả ổ và theo mẹ đến 2.5 hoặc 3 tháng tuổi.
- Sau khi tách mẹ vẫn được nhốt chung, cho đến 4 - 5 tháng tuổi thì tách riêng trống, mái. Gà trống lúc này được nhốt riêng mỗi con một ô, không cho các con trống thấy mặt nhau để tránh mổ và đá bậy.
- Khi gà đã gáy rõ tiếng thì bắt đầu cắt lông ở các vùng đầu, cổ, ức, đùi nhằm bộc lộ da ở các vùng này. Đồng thời cắt tai, tích.
- Cho gà đá thử 1 - 5 trận, xem con nào có khả năng đá hay thì giữ lại huấn luyện tiếp, hoặc không thì bán hoặc giết thịt.
- Huấn luyện gà bằng các việc chính:
+ Quần sương: cho gà vận động vào sáng sớm hàng ngày.
+ Xát nghệ: dùng nghệ giã nhỏ, hoà với rượu, nước trà, nước tiểu trẻ con sát vào vùng da đã cắt lông trong vòng 3 tháng để cho da dày lên nhằm tăng khả năng chịu đòn và giảm thương tích khi thi đấu.
+ Dầm cẳng: trước khi thi đấu 1 tháng, gà được cho ngâm chân trong hỗn dịch: nghệ, muối, nước tiểu để cho gà được cứng chân.
- Tổ chức thi đấu:
+ Gà được phân theo 3 hạng: hạng tiểu (<3.0 kg), hạng trung (3.0 - 3.5 kg) và hạng đại (từ 3.5 kg trở lên). Các gà cùng hạng thường được thi đấu với nhau. Tuy nhiên, nếu là gà có tài nghệ cao thì chủ gà có thể cho đấu với hạng trên.
+ Mỗi trận đấu thường được tổ chức từ 01 hiệp trở lên, mỗi hiệp có thời gian 20 phút. Thời gian nghỉ giải lao giữa các hiệp đấu là 05 phút để săn sóc và hồi phục cho gà.
- Mùa thi đấu: Mùa chọi gà thường được tổ chức vào dịp Tết và Xuân, kéo dài từ tháng chạp đến tháng tư âm lịch. Sau đó, từ tháng năm đến tháng mười một âm lịch là mùa gà thay lông nên không sử dụng thi đấu được.
Đặc điểm ngoại hình
Gà chọi Bình Định có tầm vóc to lớn, xương to, cơ bắp phát triển, chân cao và to khoẻ, có cựa ngắn hoặc không có, lớp biểu bì hoá sừng ở cẳng chân dày và cứng, Gà đá bằng sức mạnh của bàn chân chứ không phải bằng khả năng đâm xuyên của cựa.
Màu sắc của lông, da
Nhìn chung màu sắc của gà chọi Bình Định đa dạng, có thể thuần màu hay đa màu trên một cá thể. Thông thường màu sắc lông phụ thuộc vào màu lông của con trống là chính, màu lông giống con trống chiếm tie lệ 50 - 60%.
* Màu lông
+ Gà có lông đen tuyền, gọi là gà ô, loại này chiếm tỉ lệ cao nhất.
+ Gà có lông đen, lông mã màu đỏ gọi là gà Tía.
+ Gà có màu lông xám tro gọi là gà Xám.
+ Gà có màu lông giống lông chim ó gọi là gà ó.
+ Gà có màu lông trắng roàn thân, gọi là gà Nhạn.
+ Gà có lông 5 màu ( đỏ, đen, vàng, trắng, xám), gọi là gà Ngũ sắc.
Ngoài ra, còn có một số có màu lông pha tạp như gà đen có chấm trắng...
* Màu mỏ:
Màu mỏ cũng có màu sắc đa dạng, thường thấy mỏ có màu trắng ngà, màu vàng, màu đen, màu xanh lợt (xanh đọt chuối).
* Màu chân: 
Lớp biểu bì hoá sừng (vảy) ở bàn chân và các ngón chân gà chọi Bình Định cũng có màu sắc không giống nhau giữa các cá thể. Thậm chí, cùng một cá thể song màu sắc hai chân lại khác nhau. Thường thấy gà hai chân đen, vàng, xanh lợt, trắng, vàng đốm nâu, một chân vàng một chân đen hoặc trắng. Màu sắc cựa gà thường giống màu chân, song có con có hai cựa với hai màu khác nhau mặc dù hai chân lại cùng màu.
* Màu da:
Phần da đầu, cổ, ức, đùi và hông có màu đỏ và dày. Các phần khác như: lưng, nách, cánh lại có màu vàng hoặc trắng và da mỏng.
Tầm vóc
Gà chọi Bình Định có tầm vóc to lớn, chân cao, xương ống chân to, ngón dài và khoẻ, bàn chân (ống chân) gà trưởng thành có con dài tới 15 cm, song thường thấy loại 10 - 13 cm. Ngực rộng với cơ ngực nổi rõ. Đùi to, dài và cơ phát triển. Tuy nhiên bụng lại rất gọn, khoảng cách giữa hai mỏm xương chậu hẹp (1.5 - 3.0 cm ở gà trống). Phao câu và lông đuôi phát triển (lông đuôi có thể dài tới 30 cm). Khối lượng cơ thể trưởng thành của gà trống có thể đạt 5.0 kg, song thường gặp loại gà nặng từ 3.5 - 4.5 kg. Khối lượng cơ thể trưởng thành của gà mái đạt 3.5 - 4.0 kg. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi dưỡng và huấn luyện gà, người ta thường khống chế khối lượng của gà trống thi đấu ở khoảng 3.0 - 3.8 kg, là khoảng khối lượng mà gà phát huy tốt nhất các đòn đá hay và hiểm. 
Chỉ tiêu Trống Mái
Dài thân (cm) 22 20
Vòng ngực(cm) 41 31
Dài lườn (cm) 13,5 12
Sâu ngực (cm) 15,75 13,5
Cao chân (cm) 31,5 25
Dài đùi (cm) 17,5 11,5
Một số đặc điểm ngoại hình khác
- Gà chọi Bình Định có ít lông, lông to, dài, cứng và dòn (rất dễ gãy).
- các phần đầu, cổ, ngực, đùi rất thưa lông nhưng hai cánh có bộ lông phát triển, giúp gà có khả năng cất cao mình để tung đòn đá.
- Mặt gà gọn gàng, thường khômg có tích, tai ít phát triển.
- Mồng nhỏ và thấp, có 3 loại mồng (lá, dâu, cục)
- Mỏ gà to, ngắn, nhọn và khoẻ.
- Mắt thường nhỏ và sâu. mí mắt dầy, màu mắt đa dạng: mắt bông (màu đen pha trắng), mắt hạt cau (màu nâu có tia phát từ đồng tử ra xung quanh), có con mắt màu đồng thau hoặc mắt đen, xanh.
Gà trống 06 tháng tuổi biết gáy, đến 07 tháng tuổi thì gáy rõ tiếng và có khả năng đạp mái. Gà mái 06 tháng tuổi bắt đầu cắp ổ, 07 tháng thì chịu trống và đẻ trứng lứa đầu.
Gà chọi Bình Định thay lông theo mùa, quá trình thay lông diễn ra từ tháng năm, tháng sáu đến tháng mười một âm lịch. Lần thay lông thứ nhất bắt đầu từ lúc gà được 4 - 5 tháng tuổi, và đến 16 tháng thì thay lông lần thứ 2. Trong mùa thay lông, gà xuống sức, đồng thời do lông cánh bị rụng nên gà khó có thể bay lên để tung đòn và đỡ đòn nên người ta không cho gà thi đấu vào thời gian này mà để dưỡng gà cho mùa đấu năm sau.
Sinh sản
Tuổi đẻ quả trứng đầu tiên : 192 ngày.
Khối lượng trứng : 52 - 0,55 gam/quả.
tỷ lệ trứng có phôi : 91,6%.
Tỷ lệ nở/trứng : 85%.
Số trứng đẻ/lứa : 8 - 12 quả.
Thời gian gà mẹ nuôi con : 3 tháng.
Khoảng cách giữa 2 lứa đẻ : 5 tháng.
Mục đích chính của việc nuôi gà chọi sinh sản là sản xuất ra gà trống có khả năng thi đấu. Trong thời gian theo mẹ, gà con học được ở gà mẹ khá nhiều thế đánh. Chính vì vậy, thời gian gà mẹ nuôi con phải kéo dài đến 3 tháng. Mỗi năm, gà mẹ chỉ sản xuất được vài ổ gà con và tuổi khai thác kéo dài đến 9 - 10 năm. Gà mẹ có khả năng kiếm mồi khá, song lại vụng nuôi con.
Các tính trạng đặc biệt
Gà chọi Bình Định có thể chất tốt, thể hiện ở đặc điểm có sức chịu đòn khá và thi đấu bền bỉ, rất nhiều con chịu đựng được 40 hiệp đấu liên tục (mỗi hiệp dài 20 phút và thời gian giải lao giữa các hiệp là 5 phút). Nhiều gà chọi Bình Định đã thi đấu và nổi tiếng ở các trường đấu Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Cam pu chia, Thái Lan,...nhờ các thế đánh hay, đòn đá đẹp và hiểm. Gà chọi Bình Định có tốc độ sinh trưởng chậm, trên 1 năm tuổi mới thành thục về thể vóc. Nuôi theo phương thức truyền thống tại các hộ gia đình, gà 18 tháng tuổi đạt bình quân 4.034g con trống và 2.870 g ở con mái.
Thú chơi cũng lắm công phu
Không ai biết nghề nuôi và chơi gà chọi có từ bao giờ, nhưng giới nuôi và chơi gà chọi ở Hải Phòng lưu truyền một giai thoại về nghề. Chuyện kể, trước kia, làng Văn Cú (xã Lê Lợi, huyện An Dương) nổi tiếng với nghề nuôi và chơi gà chọi. Theo các bậc cao tuổi, có lẽ do đất làng có hình dáng con gà chọi nên nơi đây luôn sản sinh ra những con gà, chọi đâu thắng đó. Cách đây 30 năm, khi làm đường cắt qua vùng đất hình cổ gà, “long mạch” về nghề bị cắt, do vậy làng không còn nuôi được những con gà tài chọi kỳ tài. Từ đó, nghề nuôi và chơi gà chọi “phát” sang tổng Đại Trà (gồm 4 thôn: Lạng Côn, Đại Trà, Đức Phong, Phong Cầu thuộc hai xã Đại Đồng và Đông Phương (Kiến Thụy). 
Ở tổng Đại Trà, dân nuôi, chơi và thích xem gà chọi biết đến ông Dụ “ô”(Phong Cầu, Đại Đồng, Kiến Thụy), nổi tiếng bởi từng “đúc” được một con gà ô kỳ tài, chọi đâu thắng đó. Ông cho biết, nghề nuôi và chơi gà chọi rất lắm công phu, nhưng cái chính là phải có tình yêu và lòng đam mê, bởi nuôi gà chọi rất kỳ công, từ việc chọn giống đến chăm sóc và đưa gà ra sới chọi. Chăm gà chọi cũng giống như chăm chút đứa con của mình. Ngoài ra, người nuôi và chơi gà chọi còn phải biết cách xem tướng gà để có thể chọn được những con gà hay, gà tài.
Người nuôi gà chọi coi trọng việc tìm “tông mác” (chọn giống) gà, bởi gà bố mẹ hay, giỏi mới có thể sản sinh ra những con gà nòi. Dân chơi gà chọi thường truyền nhau câu thơ về việc chọn gà giống: “Đầu công, mình cốc, cánh vỏ trai/ Đùi dài, quản ngắn chẳng sợ ai”. Chọn gà, trước tiên căn cứ vào bộ lông- “nhất giáp”: lông dày, dài và mượt. Gà phải cao, dài; vẩy móng chân phải to đều, ngón khô, móng bẹ (to); cần cổ gà phải đều, đặc, tròn; mỏ phải to, dài và thẳng. Gà phải có vành mí mắt dày, con ngươi tròn bé (độ gan lì). Chọn được một con gà có những đặc tính trên rất khó n. Dân nuôi gà chọi phải đi nhiều nơi tìm giống gà. Gà đất thép Tuy Hòa (Bình Định) rất được ưa chuộng. Thậm chí, có khi phải nhập gà từ Thái Lan, Hồng Kông…về với giá cao.
Chọn được gà có tướng quý đã khó, nhưng chăm sóc để thành gà chọi hay càng khó. Hằng ngày, phải cho gà ăn đủ 2 bữa thóc tẻ, 3 đến 5 ngày phải cho gà ăn vài miếng lươn, ếch, nhái... Luôn phải trông chừng để gà tránh nhiễm bệnh, tránh rét vào mùa đông và tránh nóng vào mùa hè. Khi gà được một năm tuổi, bắt đầu cho luyện tập. Quá trình luyện tập thường kéo dài 2 tháng- dân trong nghề gọi là “vần”. Trong khoảng thời gian khoảng 1 tuần đến 10 ngày, cho gà chọi thử với gà khác, sau đó, cho gà nghỉ 3 -4 ngày. Sau khi cho chọi thử, phải “om trườm” gà. Trước tiên, lấy các loại lá thảo dược cho vào nấu sôi, sau đó nhúng khăn vào nước lá, vắt khô, để khăn đủ ấm và đắp khăn cho gà, đặc biệt là những chỗ bị đau. Om trườm gà nhằm mục đích làm chai cứng phần da, tan vết thương và làm cho gà dẻo gân. Gà trải qua 4 lần vần, 4 lần om trườm có thể đưa ra “sới” chọi.
Chọi gà-thể hiện tinh thần thượng võ
Để đưa gà ra “sới”, không phải cứ có gà là tham gia được. Người tổ chức thi chọi phải biết cách “ghép gà” (sắp xếp những con đồng cân đồng lạng chọi với nhau). Hai con gà chọi vào sới phải cùng cân, cao bằng nhau và cựa cũng phải dài bằng nhau. Nếu chênh lệch, con gà nào hơn phải “chấp”. Nếu hơn 0,1 kg phải chấp 10 phút bịt mỏ, hơn 1 thành chiều cao (1cm, tính bằng cách so vai) chấp 10 phút bịt mỏ, cựa chênh lệnh (về độ dài, to) hai chủ gà sẽ thỏa thuận quấn băng, vải thêm. Mục đích của việc “ghép gà” và tính “chấp” là bảo đảm công bằng, bởi đối với gà đem ra chọi, “nhất khỏe, nhì tài”. Con nào khỏe hơn, có ưu thế về chiều cao, cân nặng, cựa, sẽ có nhiều khả năng thắng hơn. Nhưng có nhiều trường hợp, những con gà thấp hơn, nhẹ cân hơn nhưng nhờ có lối đánh khôn ngoan nên giành chiến thắng. Một trận chọi gà thường kéo dài trong 9 “hồ”, mỗi hồ 15 phút, nghỉ giữa “hồ” 5 phút. Mỗi trận đấu, chủ gà duy nhất được “vay” thêm 5 phút cho gà nghỉ ngơi và chữa trị khi gà bị đau. Gà bị tính thua khi bỏ chạy (miệng kêu, chân chạy) hoặc chủ gà bế gà lên xin thua. Nhiều trường hợp, do trúng đòn quá nặng, gà chết ngay trong sới.
Ông Chiệc nổi tiếng về nuôi gà chọi ở thôn Đại Trà, xã Đông Phương (Kiến Thụy) cho biết, những người chơi gà chọi coi 2 con gà đá nhau như những người thi đấu võ. Những miếng đánh hiểm, những trận đấu hay và những con gà được coi là “thần kê” đã đi vào “huyền thoại”, được dân trong nghề lưu truyền, ca tụng. Ông còn cho biết, giới nuôi và chơi gà chọi trong cả nước đều biết tiếng gà chọi Đại Trà, bởi ở đây nuôi được nhiều con gà có lối đánh hay “giỏi về đôi chân, lối thế đánh khôn ngoan như dân nhà võ”. Ông Chiệc tâm sự, người nuôi gà chọi cả đời chỉ cần “đúc” được một con gà tài, đi đâu cũng được nhắc đến là mãn nguyện rồi. Vì thế, bây giờ, nhiều người gọi ông là “Chiệc xám”, bởi trước đây ông nuôi được con gà chọi xám, nổi tiếng khắp hàng tổng, hàng tỉnh về độ lì và lối đánh khôn ngoan. Ở tổng Đại Trà cũng như nhiều nơi trong nước, nhà nhà nuôi gà chọi, người người chơi và thích xem chọi gà. Tất cả đều xuất phát từ sự say mê với những trận đấu hay, những đòn thế đẹp. Ở trong vùng, ai cũng nhớ cụ Nhiên ngày còn sống, dù già yếu, khi nghe tin ở đâu có chọi gà là cụ chống gậy đến tận nơi xem. Khi ốm nặng, nằm trên giườngm cụ nói với con cháu, hàng xóm, chỉ muốn khỏe để được xem chọi gà, thế là vui lắm rồi.
Chọi gà là nét văn hóa truyền thống đặc sắc, trải qua gần 1000 năm, thú vui này còn được lưu truyền đến ngày nay là bởi có những người yêu nghề và đam mê thú chơi gà chọi như ông Dụ, ông Chiên, cụ Nhiên…Tuy nhiên, gần đây, nhiều người biến trò chơi dân gian này thành trò cá độ ăn tiền, do vậy mà những nguời nuôi và chơi gà chọi vì sự đam mê cũng buồn lòng. Nên chăng, các cơ quan chức năng có những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn nữa đối với việc tổ chức chọi gà, kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm những trường hợp tổ chức đá gà để cá độ ăn tiền. Các địa phương nên tổ chức các cuộc thi và trao giải định kỳ, thành lập các câu lạc bộ và tăng cường giao lưu để người yêu và say mê thú chơi gà chọi rộng mở "đất" chơi. Như vậy, nét văn hóa truyền thống tốt đẹp này mới có thể được bảo lưu, gìn giữ.
Đá gà hay chọi gà là một trò chơi phổ biến ở nhiều nước. Gà được chọn để tham gia cuộc đấu là giống gà chọi và được nuôi dưỡng kỹ lưỡng và được mài cựa hoặc gắn thêm cựa sắt.
Vấn đề pháp luật
Ở nhiều nơi trên thế giới (trong đó có Việt Nam), trò đá gà ăn tiền bị xem là bất hợp pháp và bị pháp luật cấm. Tại nhiều nơi khác, trò đá gà (hay các súc vật khác) bị xem là bất hợp pháp dù là để ăn tiền hay không; sự bất hợp pháp này có thể bao gồm cả việc nuôi, đào tạo, sở hữu, quảng cáo, mua bán hay trao đổi những con gà đá. Tại nhiều nơi, tham dự một cuộc đá gà như một khán giả hay giúp đỡ người khác tìm ra các nơi đá gà cũng bị pháp luật ngăn cấm.
Tại nhiều nơi khác, đây là một môn thể thao cho khán giả như bóng đá hay bóng chày. Tại những nơi này, trò đá gà thường được quản lý bởi một cơ quan có thẩm quyền.
Chọi gà tại Việt Nam
Đá gà là trò chơi dân gian mang đậm nét văn hóa truyền thống ở Việt Nam. Mùa chọi gà bắt đầu từ tháng Chạp đến tháng Tư âm lịch nhưng thường được tổ chức vào các ngày lễ tết, nhất là Tết Nguyên Đán. Vào dịp Tết, nhiều địa phương đã tổ chức đá gà như một ngày hội. Mỗi địa phương có đá gà đều thành lập ban tổ chức, chuẩn bị rất chu đáo về địa điểm, mời quan khách, các chủ kê trong vùng, liên vùng và các điều kiện cho trường đấu. Gà làng đông đá gà làng tây, xã nam đấu xã bắc, có khi còn tổ chức liên huyện, liên tỉnh.
Đá gà là thú chơi để xem, giải trí về đấu pháp, tài nghệ của gà, nhưng còn một ý nghĩa khác đó là bói lộc đầu năm. Đầu năm gà làng mình, xã mình thắng là có lộc, làm ăn sẽ phát đạt. Gà thắng độ được thưởng tiền, thưởng cờ, giấy khen của ban tổ chức.
Các giống gà
Mỗi địa phương đều có giống gà nòi nổi tiếng. Miền Bắc có gà Đồ Sơn (Thanh Hóa), Nghi Tàm, Nghĩa Đô, Vân Hồ (Hà Nội). Miền Nam có gà Châu Thành (Bến Tre), Cao Lãnh (Đồng Tháp), Châu Đốc (An Giang), Bà Điểm... Tuy nhiên ở miền Nam chủ yếu đá gà cựa. Đá gà cựa là một hình thức sát phạt, người ta thường mua cựa sắt tra vào chân gà hoặc chuốt cựa gà thật bén. Chơi gà cựa thiên về ăn thua, không chiêm ngưỡng được tài nghệ của gà. Ở miền Trung chơi đá gà đòn, thế và chỉ đá gà nòi (không đá gà kiến, gà pha, ga ri...).
Miền Trung có nhiều lò gà tên tuổi: Khánh Hòa có gà Phan Rang; Phú Yên có gà Vạn Giã, Gò Dúi; Quảng Ngãi có gà Sông Vệ, Sa Huỳnh; đặc biệt ở Bình Định nổi tiếng gà đòn, thế. Nếu đá gà liên tỉnh, các nơi gặp gà Bình Định phải kiêng dè, thận trọng.
Bình Định có nhiều lò gà nổi danh: Hoài Nhơn có gà Hoài Châu, Kim Giao (Hoài Hải); Hoài Ân có gà Mộc Bài (Ân Phong); Phù Cát có gà Cát Chánh; Tuy Phước có gà Gò Bồi; Quy Nhơn có gà Phú Tài; đặc biệt Tây Sơn có gà Bắc Sông Kôn (dòng gà Nguyễn Lữ lưu truyền).
Cách chọn gà
Gà đá quan trọng nhất là tông mái. Gà mái nòi, chủ không bao giờ bán mà chỉ tặng, biếu cho người rất thân để giữ giống, giữ tông "chó giống cha, gà gống mẹ" là vậy. Những con gà tài chịu đòn giỏi, sức bền, có nhiều thế độc là do gà mẹ di truyền. Gà nòi cha cũng quan trọng, gà cha cũng phải tài, ăn nhiều độ, chưa thua thì mới sinh ra được gà tài, gà hay. Thường một đám gà con khi tuyển chọn cũng chỉ được một vài con gà tài.
Chọn gà tài trước tiên là xem hình dáng, tướng mạo, xét kỹ 5 bộ phận trên mình gà, gọi là ngũ thường.
• Mỏ to thẳng, miệng rộng, đầu mồng dâu, mắt chữ điền. 
• Cổ to, dài, thẳng. 
• Lưng rộng, cánh dài. 
• Đùi to, phần đùi dài hơn phần cán. 
• Chân thanh, ngón thắt, vảy mỏng - khô. 
Tuy nhiên, như ông bà xưa thường nói "dị kỳ tướng tất hữu kỳ tài", cũng có trường hợp gà có dị tật nhưng có tài.
Về chọn màu lông, trong các loại màu ô, xám, tía, nhạn, cải, ó... thông thường có 3 màu lông phổ biến: ô, tía, xám. Gà màu ô phải là ô ướt hoặc ô toàn sắc; gà tía phải là tía mật ngã màu đen; gà xám phải là xám khô, vì vậy dân gian mới có câu rằng: "Nhứt điều ô, nhì xám khô, ba ô ướt".
Nếu như chọn gà xám, không nên chọn gà chân trắng, vì gà xám chân trắng sức không bền, dễ thua, ngược lại gà tía chân trắng thì hay, bén đòn nên có những câu:
Gà ô chân trắng mẹ mắng cũng mua. 
Gà trắng chân chì mua chi giống ấy. 
Nếu chọn được tía ngũ sắc (năm màu lông) chân trắng, thì khó có gà nào địch nổi, trừ thần kê. Chỉ giống gà ô mới có thần kê, vậy mới có câu:
Gà ô chân trắng mỏ ngà. 
đá đâu thắng đấy gọi là thần kê. 
Ngoài ra con gà nào gáy 7 tiếng trở lên nhưng gáy giật từng tiếng, đó cũng là thần kê. Người ta nói: "Gà sợ nhau tiếng gáy" là do đó mà ra.
Chọn vảy gà hay, gà tài rất quan trọng. Đòn, thế đá của gà hay, gà tài thường thể hiện trên vảy ở hai chân. Có hằng trăm loại vảy tốt khác nhau, nhưng tiêu biểu là các loại vảy: tứ trụ, liên chu, liên giáp nội, đại giáp, tam tài, trường thành, huỳnh kiều, xuyên thành giáp, chân lông vảy loạn, án thiên đệ nhất, án địa (địa phủ), giao long (hai hàng trơn), lục đinh (3 cựa mỗi chân), nếu lục đinh co 2 cua rung rinh ga ay moi quy; đặc biệt gà có vảy "đệ nhất thần đao" (linh giáp tử) được gọi là linh kê...
Tuy nhiên chọn gà cho được một trong các loại vảy trên cũng rất khó. Có một số đặc điểm đặc biệt của gà tài mà chỉ có chủ mới biết: gà có vảy "yểm long", vảy này rất nhỏ nằm núp dưới một vảy của ngón chân nội hoặc ngoại, vảy này cũng được gọi "dặm đầu tằm" hoặc "lưỡi đầu rồng" nếu vảy núp dưới ngón ngọ (ngón giữa) gọi là vảy "núp đấu" gà có vảy "yểm long" là gà chiến, có nhiều đòn hiểm; gà có bớt lưỡi (bớt son tốt hơn bớt đen), cũng là gà quý. Gà lông voi cũng là gà tài: lông cứng, dẻo, xoắn như dây thép thường mọc 1 lông ở đuôi, hoặc 2 lông ở 2 cánh.
Trong dân gian truyền rằng gà ba giái, hoặc một giái cũng là gà tài nhưng làm sao biết được? Chọn gà tài còn xem cả cách đi, dáng đứng: "Nhất thời hốt cát vãi ra/ Nhì thời lắc mặt, thứ ba né lồng". Hốt cát vãi ra là khi bước các ngón chân gà chụm lại quăng về phía trước. Lắc mặt: là khi đi hoặc đứng gà luôn luôn lắc mặt trừ khi ngủ, hoặc đang thi đấu. Gà né lồng: là gà khi úp giỏ thường bò sát đất né cái bóng của lồng úp.
Người sành chơi còn chọn gà khi ngủ: Gà ngủ trên cây thòng đầu xuống đất, hoặc ngủ dưới đất trải dài cổ, xoãi cánh là kiểu "ngủ đầu xà", hay "tử mỵ", gà này cũng thuộc loại hiếm quý, gan dạ, đại tài. Nhưng quan trọng nhất trong gà đá là đòn và thế. Ở miền Trung, cựa gà được bịt bằng băng keo, chủ yếu để gà dùng đòn, thế thi đấu, hạn chế đấu cựa. Những thế đòn tốt là: cột kèo hai bên đá sỏ ngang, hoặc đá bản lưng (mã kỵ); gà đi dưới thì luồn lách đâm lườn, xỏ vỉa hoặc đá mé hầu. Một số đòn thế khác như đá khấu, mé, cần ba, quăng chân không cũng là những đòn thế hiểm.
Gà chạy kiệu cũng là loại gà tài: khi xáp trận gà kiệu chỉ tranh đá đối phương một vài hiệp rồi bỏ đối phương chạy vòng theo di (mành), đối phương chạy theo thì quay lại đá tạt vào mặt khiến đối phương phải đui mắt hoặc gãy mỏ; song quý nhất trong giao đấu là loại gà biết sinh thế, bất kỳ các loại thế nào của đối phương cũng ứng tác để trừ và sinh thế khác đánh trả.... Chăm sóc gà rất khó đò hỏi sự sien năng khi cho ăn cần treo lên cao để gà có thể nhón chân vì thế gà đá xẽ hay hơn.Khi cho ăn cần đãi sạch lúa đôi khi cho ăn thêm mồi có thể là thịt bò, tép, lươn. ngoài ra cho ăn thêm giá hoặc cà để gà mát đá đòn mạnh. Cần chọn gà có những vảy sao để có thể chống trả đòn hiểm của đối thủ:hai hàng trơn, tứ trực,song âm song dương, ám long...Ngoài ra có thể chọn những gà có vảy:gạc thập, xuyên đao,huyền trâm, hàm long, địa giáp..vì có thể giết địch thủ rất nhanh chóng.
Không ai biết gà nòi Việt Nam có nguồn gốc từ đâu. Xuất xứ khởi thủy của nó không thể truy cứu được vì thiếu tài liệu. Hơn nữa, nước Việt phải trải qua một cuộc nội chiến kéo dài 30 năm khiến hàng triệu người phải bỏ mình, nhà cửa tan nát lại càng khiến cho các tài liệu gà nòi khác đều khan hiếm. 

Nghệ thuật đá gà ở Việt Nam là một truyền thống văn hoá lâu đời đã đựơc ghi chép cách đây ít nhất là 700 năm. Có thể Việt Nam là quốc gia duy nhất có giống gà nòi đòn trụi cổ, mặt mũi bặm trợn như thường thấy vì giống gà này không có xuất xứ từ những quốc gia khác. Trong những thập niên gần đây, gà nòi đã được xuất cảng qua các quốc gia láng giềng như Thailand, Indonesia, và Malaysia. Những người Việt hiện sinh sống ở Hoa Kỳ cũng đã đem đựơc trứng gà nòi qua đây và ấp nở thành công. Ngoài ra, chỉ có một nơi duy nhất có giống gà nhìn không khác gì gà nòi, đó là đảo Reunion Island. 

Đã có khá nhiều tranh cãi về nguồn gốc gà nòi. Qúy độc giả có nhu cầu nghiên cứu có thể xem thêm tài liệu của nhóm chuyên gia Nhật Bản đựơc đăng tại địa chỉ  http://www.accessexcellence.org/ - www.accessexcellence.org. Tài liệu này cho biết gà đã đựơc thuần hoá cách đây 8000 năm tại Đông Nam Á trong một khu vực phạm vi bao gồm Thái Lan và Việt Nam, nơi mà loại gà rừng đỏ hiện đang sinh sống ngày nay. (Qúy độc giả có thể đọc bản tài liệu bằng Anh ngữ tại đây.PROTOCHICKEN
Gà Đòn


Gà đònGà đòn là loại gà cổ trụi, chân cao, cốt lớn dùng để đá chân trơn hoặc bịt cựa. Gà đòn được chia ra hai loại rõ rệt. Đó là loại gà mã lại (còn gọi mã mái) và gà mã chỉ. 
Qúy độc giả có thể xem chi tiết của hai loại gà này tại hai liên kết sau: Mã Lại và Mã Chỉ.
Đặc Điểm Chung
Gàkhôngcựa
Gà đòn thường được sách vở mô tả là loại gà chân trơn, không cựa, hoặc cựa mọc không dài, cựa vừa lú như hạt bắp. Gà này lớn con được dùng theo thuật đá đòn bịt cựa. Danh từ "gà đòn" phát xuất từ miền Trung đựơc dùng để gọi riêng loại gà đá đòn bằng quản và bàn chân. Ngày nay danh từ gà đòn đã được công chúng dùng một cách rộng rãi để gọi chung các loại gà nòi đấu ở trường gà đòn trong đó có những loại gà miền nam có cựa dài và biết xử dụng cựa. 
Ở miền Trung, đá gà là thú tiêu khiển của người lam lũ, khi hết mùa đồng áng mới bắt tay vào việc chơi gà. Bởi lẽ tiền bạc khó kiếm nên dân miền trung thích chơi gà đòn, - một độ dầu ăn hay thua cũng kéo dài suốt mấy giờ đồng hồ, có khi suốt ngày. Vì chuyên về gà đòn nên dân miền Trung tuyển chọn cản gà khiến gà bị nín cựa, mọc chậm và ngắn. Nếu con nào có cựa mọc dài cũng sẽ bị cưa hoặc mài ngắn. Khi cựa mới lú cũng bị chủ gà bấm cựa khiến cựa bị tầy đầu, không lú ra đựơc. 
Nói chung thì lối đá của gà đòn khác hẳn gà cựa. Gà đòn dùng quản và bàn chân để quất. Gà cựa thì dùng cựa để đâm. Cựa của gà đòn có gốc to và mọc rất chậm so với gà cựa. Gà đòn chín tháng tuổi thì cựa cũng chỉ bằng hạt bắp. 
Đầuvàdiệnmạo
Xương sọ gà nòi lớn hơn gà thường, đỉnh đầu của xuơng thường lớn bản và bằng. Mặt gà rộng bản với xuơng gò má nhô cao. Vì được gần gũi và chăm sóc bởi chủ kê nên gà nòi có những đặc tính tâm lý rất khác biệt với các lọai gà khác, chẳng hạn khi được chủ kê cho ăn hay tắm rửa, khuôn mặt gà nòi biểu lộ nét thỏai mái và tự tin, khi có người lạ đến gần gà nòi sẽ ngóng cao đầu và nghiêng mặt, trố mắt tò mò theo dõi nhìn, khi đối diện một con gà khác đôi mắt sẽ gườm lên thách thức so tài. Khi lâm trận thì mắt gà nòi lộ sát khí. Qúy độc giả có thể Bấm vào đây để xem thêm hình ảnh đầu gà nòi.
Cổlớn,dadàyvànhăn
Cổ gà nòi lớn và trông rất mạnh bạo với một chiều dài vừa phải, xương cổ rất cứng cáp và các khớp xương gắn bó đều đặn và rắn chắc. Lớp da ở cổ gà nòi được xếp lớp theo hình sóng dợn. Những người xa lạ với gà nòi thường thắc mắc đặt câu hỏi: “gà nòi trụi lông cách tự nhiên hay bị hớt ?” Câu trả lời không đơn giản vì còn tùy thuộc vào loại gà. Có những lọai gà nòi trụi lông cổ tự nhiên hoặc có rất ít lông nhưng cũng có những lọai có lông phủ đầy mình. Thông thường thì gà nòi trơ trụi cho đến khi được 1 tuổi nếu được nuôi ở những nơi có thời tiết và khí hậu nóng ấm như Việt Nam. Lông ở cổ và đùi có thể sẽ không mọc lại được trong lần thay lông của mùa sau. Các tay chơi gà thường om và vào thuốc tẩm làm cho lớp sừng (da trên mặt) và lớp biểu bì săn chắc lại khiến cho các chân lông bị khô khiến lông khó mọc lại. Gà nòi đã được mang qua Hoa Kỳ nuôi và chúng đã dần dà phát triển bộ lông đầy đủ để thích nghi với khí hậu lạnh. Gà nòi nơi đây thường có bộ lông đầy đủ hoặc chỉ trụi chút đỉnh ở phần cổ khi được 9 tháng tuổi.
Qúy độc giả có thể xem thêm về quá trình phát triển bộ lông của gà nòi trong phần Quá trình phát triển bộ lông
Hình bên cạnh là một con gà xám tơ 10 tháng tuổi. Đầu, cổ, và đùi còn trụi lông tự nhiên vì gà còn tơ. 
Chânvàvảy
Chân gà nòi thường có hai hàng vảy với đường đất chạy hình chữ chi ở giữa hai hàng vảy. Gà nòi với ba hay bốn hàng vảy thường rất hiếm. Có sách ghi rằng gà ba hàng vảy tuy đá nhanh đòn nhưng đòn không mạnh. 
Trong khoảng hơn ba thập niên qua, các tay chơi gà ở miền Nam thường không thích gà nòi có chân màu vàng, lý do là màu chân vàng là màu của gà thịt, một lọai gà Tàu hay gà Bắc Thảo nuôi để lấy thịt. Ngày nay lọai gà chân vàng tuy chưa được ưa chuộng một cách rộng rãi nhưng cũng đã được dần dà chấp nhận trong giới mộ điệu chơi gà. Qúy độc giả có thể bấm vào đây để xem thêm về chân vảy.
Mắtếch
nếu gà nòi có mắt lớn thì không thích hợp cho các trận đá nhưng gà có mắt lồi như mắt ếch thì lại khác. Gà mắt ếch có đặc điểm lanh lợi và linh động khi ra trận. Nếu gà nòi mắt ếch mà có màu chân xanh thì được xem là hợp cách rất qúy. Các tay chơi gà thường truyền tụng câu ca dao:

“Chân xanh mắt ếch đánh chết không chạy”

Những Đặc Tính Khác
• Đùi: Nở nang và thường dài hơn phần quản 
• Chân: Tương đối cao. Loại chân vuông hoặc tam giác thường đựơc các sư kê ưa chuộng. 
• Mình: Rắn chắc và dài đòn. Phần bụng nhỏ và không phát triển. 
• Da: Dày và đỏ. 
• Thịt: thịt gà nòi là lọai có cơ bắp lớn nở nang do năng vận động và tập luyện. Chính vì thế mà thịt gà nòi trở nên dai, phải “hầm” lâu hơn gà thường mới ăn được ! 
• Xương: gà nòi có bộ xương rất lớn và nặng ký do đó cần có thời gian lâu cho gà phát triển. Trung bình hơn 1 năm gà nòi mới đủ thể lực và cứng cáp để có thể ra trường. 
• Đuôi: đuôi gà nòi ngắn, lông ống cứng có hình cánh quạt để chống đỡ khi nhảy, té. Gà có lông “Mã chỉ” thường có thêm lớp lông vũ phủ thêm bên ngòai lớp lông ống. 
• Cựa: Loại cựa đơn là thông thường nhất. Tuy nhiên có lọai gà nòi có từ 2 đến 6 cựa chột như đầu đinh nơi chân được gọi là gà “Nhị Đinh”, “Tam Đinh”,… “Lục Đinh”. Đây là những lọai gà nòi giòng khác biệt. . 
• Bộ Lông: Lông rất thưa thớt ở phần đầu, cổ và đùi. Lông cứng, dòn và dễ gãy. Gà nòi có nhiều sắc lông chính như xám, ô, nhạn, điều và vàng. Các con gà có sắc lông pha trông rất rực rỡ và đẹp mắt như xám son, ô điều (tía), chuối và ó. 
• Trọng lượng: gà nòi có trọng lượng từ 6 tới 11 pounds (khoảng 2.8 kg tới 5 kg) 
• Tiếng gáy: Gà nòi không gáy nhiều như các lọai gà tre, gà Thái hay gà Tàu. Tiếng gáy của gà nòi trầm hùng. 
• Tánh nết: Đặc tính của gà nòi là can đảm, lì lợm và bất khuất. . 
• Địa điểm: Gà nòi đòn nổi tiếng hiện nay được nuôi nhiều ở các tỉnh miền Trung như : Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đà Nẵng và nhiều vùng cao nguyên. Gà nòi cũng được phát triển rộng rãi các tỉnh, vùng ngòai Bắc như : Lạng Sơn, Bắc Giang (tỉnh Hà Bắc cũ), Hà Nội, Nam Định,vv… Trong miền Nam gà nòi được biết nhiều qua các địa danh như : Bà Rịa, Đồng Nai (Biên Hòa), Sàigòn, Bà Điểm, Long An, Cao Lãnh,v.v,…
Qúy độc giả có thể Bấm vào đây để xem bản đồ địa danh Việt Nam. 
(Việt Nam đựơc chia ra thành ba miền: Bắc, Trung, Nam. Trung phần được tính từ Tỉnh Thanh Hóa xuống tới Đắc Lắc, Lâm Đồng, và Bình Thuận.) 
________________________________________
Gà Cựa



Gà cựa là lọai gà nhỏ và nhẹ hơn với bô lông phát triển đầy đủ và có cựa bén nhọn và dài. Gà cựa phát xuất từ miền Nam và được đa số người miền Nam yêu chuộng đá gà theo lối gà cựa. Nghệ thuật chơi gà cựa không được phổ thông ngòai miền Trung Phần và Bắc Phần. Theo truyền thống xa xưa thì gà cựa được thả cho đá với cựa tự nhiên mọc ra nhưng ngày nay các tay chơi đá gà cựa đã biến hóa và tháp cựa căm (cựa nhọn làm bằng căm xe), hay cựa dao cho các trận gà sanh tử. Những đặc điểm khác của gà cựa cũng khác nhiều khi so với gà đòn như :
• Mặt : gà cựa có khuôn mặt rất “bảnh gà” và da mặt mỏng hơn. 
• Mắt : mắt gà cựa nhỏ và tròn, mí mắt mỏng. 
• Cổ : cổ gà cựa ngắn và nhỏ hơn nhiều so với gà nòi. 
• Chân : ngắn và nhỏ. 
• Cựa : gà cựa mọc cựa rất nhanh, hình thể cựa gà rất bén nhọn và dài. 
• Lông : gà cựa có lông phủ kín tòan thân. Lông cổ mọc dài thành bờm và lông mã mọc dài phủ xuống hai bên hông trông rất đẹp. 
• Đuôi : đuôi gà cựa là lọai lông ống nhỏ mềm mại, khó gẫy. Các lông phủ đuôi mọc dài và cong vòng như lông đuôi chim phụng. 
• Trọng lượng : gà cựa cân nặng trong khác biệt từ 2.2ký-lô đến 3.2 ký-lô. 
Gà Chọi, Gà Đá, Gà Nòi 
Tùy theo thổ âm của mỗi vùng tại Việt Nam mà gà nòi được hiểu và gọi theo nhiều từ khác nhau. Ngòai miền Bắc gà nòi được gọi là “Gà chọi”, trong khi miền Trung gọi là “Gà đá”. Chữ “chọi” theo tiếng của miền Bắc có nghĩa là đánh lẫn nhau. Riêng chữ “đá” dùng để diễn tả cách gà nòi cùng chân để đá con gà đối phương trong trận đấu. Trong miền Nam hầu hết mọi người đều dùng hai chữ “gà nòi”. Mặc dù dùng ba danh từ khác nhau để diễn tả gà nòi nhưng các tay chơi gà tại các miền khác nhau trên nước Việt Nam đều hiểu rõ các danh từ địa phương và vui vẻ chấp nhận cả những danh xưng về gà nòi này một cách hài hòa. Trong miền Nam nơi sản sinh ra nhiều giống gà cựa hay. Các tay nuôi gà nòi thường chuyên biệt về một lọai gà đòn hay cựa chứ không chuyên cả hai lọai. Nhưng các tay chơi gà cựa hay gà đòn cũng dùng hai chữ “gà nòi” để nói đến lọai gà mình nuôi, mặc dù có sự khác biệt rất rõ ràng giữa hai lọai gà nay như đã phân tích ở phần trên. Theo thông lệ thì những tay chơi gà đòn không tham gia vào các trận đấu của dân chơi gà cựa và ngược lại – nguyên nhân chính là hai lọai gà này có những cách nuôi và kỹ thuật khác nhau trong việc huấn luyện xoay xổ, cũng như cách dưỡng gà để ra trường.
Phần II


+thời gian là thước đo chính xác nhất cho bất ký những giá trị nào thuộc về trí tuệ loài người; nghiên cứu về chân vảy gà để đánh giá con gà cũng ko nằm ngoài quy luật này, nếu những nghiên cứu về chân vảy mà ko có giá trị gì trong thực tiễn cho việc chọn gà thì qua hàng nghìn năm nó đã bị đào thải từ lâu rùi: từ thời Hưng Đạo Vương- Trần Quốc Tuấn...."cựa gà chọi ko thể đâm thủng áo giáp giặc "....- Hịch tướng sỹ. đấy nó có giá trị và được các Sư kê đúc kết lại trải qua hàng nghìn năm như thế - chắc chắn phải có giá trị nhất định các bác nhỉ? nó hỗ trợ rất có hiệu quả trong việc đánh giá 01 con gà tốt hay xấu. 
+tất nhiên, xem con gà là xem một cách tổng thể, ko thể giống như người mù xem voi được. gà nhỏ cũng như gà lớn(>45kg) đều phải xem xét kỹ lưỡng trước khi rước E nó đi. có lúc phải vạch ra tìm vảy tốt, xấu; có lúc chỉ nhìn thấy tướng E nó là ok rùi? 
QUAN NIỆM VỀ TƯỚNG TINH. 
E dám khẳng định là việc đấu tiên nhìn con gà là người ta nhìn vào tướng tinh trước? con gà có tướng tốt : văn ra văn, võ ra võ; chứ loại nữa nọ nủa kia đố Bác nào dám rước về nuôi- mang hoạ ngay. loại này ra trường ko đá toàn đá gà nhà.. tướng tinh tốt sẽ hỗ trợ nhiều cho khả năng ra đòn và chịu được đòn đá đối thủ- tăng khả năng chiến thắng trong trận đấu, điều này Bác nào cũng bít hổng cần nói thêm 
QUAN NIỆM VỀ CHÂN ĐÁ. 
khi giao đấu thì rõ ràng đòn đá là yếu tố quyết định, lối, tướng tinh là yếu tố phụ trợ. nhưng ko phải chỉ chân đá là quyết định tất cả, chân đá tốt nhưng tướng tinh ko vững chắc, khả năng chịu đòn kém, lối thế cứ đưa đầu cho người ta sút thì khả năng thắng lợi cũng ko cao, nếu thắng về chắc cũng bỏ; vì đã mang gà ra xới chẳng con gà nào dở cả mình đấm người ta thì người ta cũng oánh mình lại. 
Như vậy: 
Việc đánh giá 01 con gà tốt hay xấu là một việc làm với cái nhìn bao quát, toàn diện từ những đặc điểm về tướng tinh, chân vảy, lối, đòn, khả năng chịu đòn.. thì mới đủ cơ sở để đánh giá con gà là hay, dở, trung bình ..được. không nên chỉ nhìn thấy 01, 02 đặc điểm thôi mà đã vội kết luậncon gà này là chiến kê hay gà dở. XEM XET,CHỌN LỌC VÀ XEM XET CHỌN LỌC. để đánh giá lá cách tốt nhất để kết luận về 01 con gà tốt xấu- theo quan điểm của E là vậy. 
TẤT NHIÊN; từ lúc đầu tới giờ là Enói về con gà có dòng giống tông tử đàng hoàng, thì lúc đó mới tính đến chuyện xem xét tiếp theo. chứ loại gà đá hay chạy giỏi đang đá người ta chết rùi, nhưng thấy nó lỳ quá đá nó trơ trơ ra nghĩ :mày lỳ quá tao mệt rồi tao về là tiêu đời thằng nhỏ ngay. hoặc đang đá người ta bị người ta đá lại: thằng này dữ quá ở lại nó đáchết- chạy cho chắc ăn, cũng móm một đời thằng chủ. 
DÚM LẠI:.... đánh giá 01 con gà là đánh giá tổng thể các yếu tố, để có cái nhìn khách quan toàn diện, tránh những sai sót đáng tiếc dẫn đến đánh gia sai lầm về con gà. mộ con gà với nhiều điểm tốt hơn tụ lại sẽ là con gà hay.
Ở thời-đại phong-kiến, nhiều quốc-gia trên thế-giới có tục lệ chơi đá gà, một tục lệ thường được các vị vua chúa và quan-lại trong triều-đình ưa thích. Cũng như trò chơi giải-trí về đua ngựa và đua chó săn, các cuộc đá gà, ở một số nước Âu-châu và Trung-hoa, vào thời-kỳ phong-kiến ấy, cũng rất được thịnh-hành. 
Lúc đầu, tại các cung-điện nhà vua, người xưa chỉ tìm cái thú vui là để thấy con gà trống đá nào thắng: con gà nhạn (sắc trắng) hay con gà ô (lông đen) hoặc con tía vỉa (màu tía, sở-trường đá đòn vỉa, tức đòn luồn)? Nhưng khi những cuộc đá gà đã được phổ-quát trong các tầng lớp dân chúng, thì thú vui ấy, đã nhanh chóng nhường chỗ cho sự say-sưa đánh cuộc. Thay vì đánh cuộc trong các trận đua ngựa, thì họ lại đánh cuộc trong các trận đá gà. Tiền đánh cuộc rất lớn, có người phải khuynh-gia bại-sản! 
Ngày nay, hầu hết các nước trên thế-giới đã có luật cấm, nhưng vẫn còn 27 quốc-gia hay miền xứ, hoặc được chính-quyền ‘giả lơ’ để người dân tổ-chức. Hoặc công-khai cho phép như ở Mễ-tây-cơ, quần-đảo Antilles, quần-đảo Nam-dương... và đặc-biệt là hải-đảo Bali, nơi rất nổi tiếng về việc đá gà. 
Ai cũng biết, đặc-tính bẩm-sinh của gà trống là hiếu-chiến. Loại gà trống nào cũng thích kèn cựa nhau, dù ở tình-trạng nào: hoang-dã ngoài rừng núi hay được dưỡng-nuôi trong các gia-đình. Tuy nhiên, có một vài giống gà lại hiếu-chiến hơn. Một vài loại có sức mạnh hơn. Và đôi khi, trong cùng một loại, lại có những con có dị-tướng, có những ngón đòn lạ... mà người ta thường bảo là ‘thần-kê’. Đó là lý-do thúc đẩy những ai muốn chơi gà chọi thì cần phải tìm-tòi và chọn lựa. 
1.- Chọn lựa loại gà 
Thực vậy, không phải gà nào cũng chọi nhau được. Vì gà chọi là một loại gà đặc-biệt, do sự đúc luyện liên-tiếp qua nhiều năm nhiều đời. Trong loại gà nầy, người chơi cũng phải dày công kén chọn mới gặp được gà hay. Có nuôi gà hay mới bõ công săn-sóc, mới có hy-vọng thắng những cuộc chọi nhau và chủ-nhân mới mong đoạt giải trong những ngày hội hoặc đánh cá, trong các cuộc chọi gà đỗ-bác. 
Thường thì những con gà dị-tướng là những con gà hay. Nhưng những dị-tướng đó, chỉ có các tay chơi sành sõi mới nhận thấy được. Những con gà được gọi là ‘linh-kê’ hay ‘thần-kê’ thường có tướng lạ lùng. Với tướng lạ đó, đấu trăm trận trăm thắng. Đến lúc về già, cái khí-thế oai-hùng ấy cũng không mất. Cho nên, người ta thường dùng chúng để tạo nên những thần-kê con, những linh-kê cháu... 
Gà có dị-tướng 
Trong cuốn ‘Các thú tiêu-khiển Việt-nam’, tác-giả Toan Ánh Nguyễn văn Toán có cho biết là các tay sành chơi ở nước ta, đã phân-biệt được 27 loại gà có dị-tướng. Sau đây xin đan-cử 5 loại trong 27 loại gà có tướng kỳ lạ đó: 
Gà tử-mị: Có 2 loại. Loại gà 1, khi ngủ thì năm ngay đày, sẩy cánh và xuôi giò. Và loại 2, khi ngủ thì đôi giò móc lên cây như dơi. 
Gà qui. Hình giống như con rùa. Khi nằm, nó giấu chân đi, co đầu lại, thụt đuôi vào. Ta trông vào thân hình nó, đúng là thân con rùa, chỉ khác một điều là được phủ thêm lượt lông vũ. 
Gà độc nhãn, độc dao. Lúc mới sinh ra, chỉ có một mắt một cựa. Những con gà loại nầy thật là hung ác dữ tợn, không bao giờ nao núng trước địch-thủ. Đã chọi nhau thì đến chết cũng không chạy. 
Gà mắt ếch mắt mèo. Mắt rất tinh, tránh đòn rất tài và tra đòn rất đúng. Loại gà nầy rất gan lỳ. Nếu bị trọng thương, cũng nằm lỳ chịu chết, nên tục-ngữ có câu: ‘Gà chân xanh mắt ếch, chém chết không chạy’. 
Gà tam nhĩ. Gà có 3 lỗ tai. Ở bên trái hoặc bên phải, ngoài lỗ tai thường, còn có một lỗ tai nhỏ. Lỗ tai nầy thường bị lông phủ kín, người lựa gà phải để ý, vạch lông ra mới thấy được. 
Khi nhìn một con gà, những tay chơi sành thường chú ý ngay đến sắc lông, tướng mạo, dáng đi, tiếng gáy... của nó. Nhiều con gà, đối với những con mắt người thường, chỉ là những con gà bỏ đi. Nhưng đến tay người sành sỏi nuôi gà thì lại là một con gà có quý tướng. Cho nên, kén chọn được một con gà chọi hay giữa một đàn gà, chẳng khác nào tìm được một vị tướng giỏi giữa chốn ba quân. 
Người chơi gà, khi kén chọn gà nòi, trước hết nhắm ở bề ngoài, nghĩa là ở mã gà, nhất là ở màu sắc lông gà. Theo họ, sắc lông gà cũng có nhiều ảnh-hưởng đến sự bền-bỉ, gan lỳ và khôn-ngoan. Năm màu lông thường được lựa chọn là: Nhạn, Xám, Điều, Ô và Nghệ. Vì năm màu nầy thuận với ngũ-hành Kim, Mộc, Thủy, Hoả, Thổ. Người chơi gà cần phải hiểu ngũ-hành của năm sắc gà để biết sự xung-khắc theo nguyên-tắc dịch-lý. Đây cũng là một yếu-tố khi ‘cáp gà’ trong các trận đấu. 
Những con gà hay 
Đã là gà chọi, thì con nào cũng biết chọi. Nhưng không phải con gà chọi nào cũng là gà chọi hay. Do đó, các tay chơi mới phải lựa chọn, chọn lựa cách rất kỹ-càng. 
Con gà hay, trước hết phải có thân hình cân-đối, mạnh-mẽ và gân-guốc. Con gà chắc-chắn gân-guốc khi nhắc bổng lên, cặp giò không lòi chòi lạng quạng. Cổ gà (gọi là cần) phải có bộ xương cho nhặt và ngắn, mỗi khi sờ tới, gà thụt cổ vào dễ dàng. Mỏ gà phải nhỏ, miệng phải sâu, như vậy nó mới lanh lẹ khi mổ địch-thủ. Chân phải lùn, gà mới có những cái đá chắc và mạnh. Lông gà phải cứng, để nó có sức chịu đựng khi giao-phong. 
Qua các nét chính-yếu trên, con gà có thể được chọn. Thêm vào đó, gà còn có dị-tướng hay gà nòi nữa là ‘tuyệt cú mèo’. Gà nòi, tức là con cháu của một con gà hay đã được nổi tiếng trước đây. Những con gà hay mà các tay sành chơi ở nước ta thường nhắc đến là: 
Tại miền Nam: Gà Bình-Định, gà Bà Rịa, gà Bà Điểm, gà Cao-Lãnh, gà Kế-Sách (Sóc-Trăng) v.v... nhưng đặc-biệt nổi tiếng nhất là gà Cao-Lãnh và gà Bà Điểm. Gà Cao-Lãnh thuộc Đồng Tháp. Giống gà nầy lông nhiều, cựa nhọn, bay đá thật nhanh. Còn giống gà Bà Điểm ở Sai-gòn thì lông ít, cựa ngắn, nhưng gan dạ vô cùng. 
Ngoài miền Bắc: Giống gà Kim-Liên ở khu-vực phía sau Khâm-thiên thuộc Hà-Nội và gà Vân-Hồ ở phía nam Hà-Nội. 
Ngày nay, nhiều tay chơi gà tìm cách lấy giống gà hay bằng cách cho lai nhau. Họ ghép mái Bà Điểm với trống Cao-Lãnh, hoặc gà mái Cao-Lãnh với gà trống Bà Điểm v.v... Sự ghép giống nầy sản-xuất ra loại gà lai có đủ các đức-tính của cả gà cha và gà mẹ. 
2.- Nuôi-dưỡng và huấn-luyện 
Có thể nói, nuôi gà chọi là một công-phu và cũng là một nghệ-thuật. Công-phu vì chính người nuôi phải chịu nhiều sự tốn kém, phải hy-sinh thời-giờ
[ Sư Tầm]
Quay lên trên
hoathien Xem...
Nhi đồng
Nhi đồng


Gia nhập: 27/03/2012
Khu vực: Ninh Thuân
Tình trạng: Offline
Điểm: 683
Lựa chọn cho Bài viết Lựa chọn cho Bài viết   Lượt cám ơn (0) Lượt cám ơn(0)   Trích dẫn hoathien Trích dẫn  Phúc đápPhúc đáp Liên kết trực tiếp tới Chủ đề này Ngày đăng: 10/06/2012 lúc 1:06am
CopY thôi mà.
Quay lên trên
thelanqb Xem...
Thiếu niên
Thiếu niên
Hình đại diện

Gia nhập: 30/03/2011
Khu vực: đây chứ đâu
Tình trạng: Offline
Điểm: 2722
Lựa chọn cho Bài viết Lựa chọn cho Bài viết   Lượt cám ơn (0) Lượt cám ơn(0)   Trích dẫn thelanqb Trích dẫn  Phúc đápPhúc đáp Liên kết trực tiếp tới Chủ đề này Ngày đăng: 10/06/2012 lúc 11:02am
Ban đầu được viết bởi hoathien hoathien viết:

CopY thôi mà.

tất nhiên là mình copy rồi.
ở phần cuối bài mình có tick chữ "[Sưu tầm]" đấy.
cái này mình post lên để những người mới vào nghề xem để hiểu một phần nào đó, ngoài ra không có gì hơn
Quay lên trên
duongkhpc Xem...
Thành viên uy tín
Thành viên uy tín
Hình đại diện

Gia nhập: 19/12/2011
Khu vực: Nha Trang
Tình trạng: Offline
Điểm: 4076
Lựa chọn cho Bài viết Lựa chọn cho Bài viết   Lượt cám ơn (0) Lượt cám ơn(0)   Trích dẫn duongkhpc Trích dẫn  Phúc đápPhúc đáp Liên kết trực tiếp tới Chủ đề này Ngày đăng: 11/06/2012 lúc 8:40am
Ban đầu được viết bởi hoathien hoathien viết:

CopY thôi mà.
Bạn có copy được không ?
Quay lên trên
LE XUAN TAN Xem...
Thiếu niên
Thiếu niên
Hình đại diện

Gia nhập: 30/03/2012
Khu vực: SAIGON
Tình trạng: Offline
Điểm: 2566
Lựa chọn cho Bài viết Lựa chọn cho Bài viết   Lượt cám ơn (0) Lượt cám ơn(0)   Trích dẫn LE XUAN TAN Trích dẫn  Phúc đápPhúc đáp Liên kết trực tiếp tới Chủ đề này Ngày đăng: 11/06/2012 lúc 8:43am
rất bổ ích
Quay lên trên
thiennhailangtu Xem...
Thiếu niên
Thiếu niên
Hình đại diện

Gia nhập: 04/01/2012
Khu vực: THÁP CHÀM PHỐ
Tình trạng: Offline
Điểm: 1713
Lựa chọn cho Bài viết Lựa chọn cho Bài viết   Lượt cám ơn (0) Lượt cám ơn(0)   Trích dẫn thiennhailangtu Trích dẫn  Phúc đápPhúc đáp Liên kết trực tiếp tới Chủ đề này Ngày đăng: 11/06/2012 lúc 9:03pm
thank cho những ae nhiệt tình sưu tầm up lên dd 
Quay lên trên
tu_my_ke Xem...
Nhi đồng
Nhi đồng


Gia nhập: 28/06/2012
Khu vực: bình định
Tình trạng: Offline
Điểm: 3
Lựa chọn cho Bài viết Lựa chọn cho Bài viết   Lượt cám ơn (0) Lượt cám ơn(0)   Trích dẫn tu_my_ke Trích dẫn  Phúc đápPhúc đáp Liên kết trực tiếp tới Chủ đề này Ngày đăng: 28/06/2012 lúc 4:25pm
nghề chơi cũng lắm công phu, bài sưu tầm hay và bổ ích....
Quay lên trên
coviucbvn Xem...
Hàng xáo
Hàng xáo
Hình đại diện

Gia nhập: 18/02/2011
Khu vực: Cao Bằng
Tình trạng: Offline
Điểm: 5938
Lựa chọn cho Bài viết Lựa chọn cho Bài viết   Lượt cám ơn (0) Lượt cám ơn(0)   Trích dẫn coviucbvn Trích dẫn  Phúc đápPhúc đáp Liên kết trực tiếp tới Chủ đề này Ngày đăng: 28/06/2012 lúc 4:28pm
bác nào mới chơi đọc mấy cái này phê lắm hehe em mới chơi đọc thấy phê thật
Đức 17t sdt:01649586184
YH: what_is_love_236
Quay lên trên
Trường78 Xem...
Thiếu niên
Thiếu niên
Hình đại diện

Gia nhập: 29/06/2012
Khu vực: Saigon
Tình trạng: Offline
Điểm: 1110
Lựa chọn cho Bài viết Lựa chọn cho Bài viết   Lượt cám ơn (0) Lượt cám ơn(0)   Trích dẫn Trường78 Trích dẫn  Phúc đápPhúc đáp Liên kết trực tiếp tới Chủ đề này Ngày đăng: 30/06/2012 lúc 5:49pm
Cảm ơn chủ topic!
Quay lên trên
HoangTrungHp Xem...
Nhi đồng
Nhi đồng
Hình đại diện

Gia nhập: 10/03/2013
Khu vực: Hải Phòng
Tình trạng: Offline
Điểm: 907
Lựa chọn cho Bài viết Lựa chọn cho Bài viết   Lượt cám ơn (0) Lượt cám ơn(0)   Trích dẫn HoangTrungHp Trích dẫn  Phúc đápPhúc đáp Liên kết trực tiếp tới Chủ đề này Ngày đăng: 11/12/2013 lúc 8:32pm
Đôi khi những sư kê chơi gà lâu năm cũng phải học hỏi thêm 
Quay lên trên
Gà ta Xem...
Hàng xáo
Hàng xáo


Gia nhập: 03/07/2012
Khu vực: Vũng Tàu
Tình trạng: Offline
Điểm: 5841
Lựa chọn cho Bài viết Lựa chọn cho Bài viết   Lượt cám ơn (0) Lượt cám ơn(0)   Trích dẫn Gà ta Trích dẫn  Phúc đápPhúc đáp Liên kết trực tiếp tới Chủ đề này Ngày đăng: 12/12/2013 lúc 10:54am
Hay, nhiều cái mình mới biết
Lũy tre thấp thoáng đàng xa
Mấy mươi bước nữa về qua cổng làng
Trong lòng bỗng thấy xốn xang
Quê hương hai tiếng nặng mang suốt đời
Quay lên trên
ga36da Xem...
Nhi đồng
Nhi đồng

nhắc lần 1(19/2/2014) viết bài không dấu

Gia nhập: 08/01/2014
Khu vực: thanhhoa
Tình trạng: Offline
Điểm: 41
Lựa chọn cho Bài viết Lựa chọn cho Bài viết   Lượt cám ơn (0) Lượt cám ơn(0)   Trích dẫn ga36da Trích dẫn  Phúc đápPhúc đáp Liên kết trực tiếp tới Chủ đề này Ngày đăng: 13/01/2014 lúc 10:45pm
hay ! bo ich ! may thang moi tap choi tuong la bat duoc cuc vang , nhung phai lam hong ca tram con ga moi hieu duoc 1 it . 
Quay lên trên
tamtep Xem...
Nhi đồng
Nhi đồng
Hình đại diện

Gia nhập: 31/12/2012
Khu vực: DongAnh
Tình trạng: Offline
Điểm: 261
Lựa chọn cho Bài viết Lựa chọn cho Bài viết   Lượt cám ơn (0) Lượt cám ơn(0)   Trích dẫn tamtep Trích dẫn  Phúc đápPhúc đáp Liên kết trực tiếp tới Chủ đề này Ngày đăng: 17/01/2014 lúc 11:16pm
copy mà có ích cứ like
Quay lên trên
niem dam me Xem...
Nhi đồng
Nhi đồng


Gia nhập: 27/11/2013
Khu vực: hung yen
Tình trạng: Offline
Điểm: 27
Lựa chọn cho Bài viết Lựa chọn cho Bài viết   Lượt cám ơn (0) Lượt cám ơn(0)   Trích dẫn niem dam me Trích dẫn  Phúc đápPhúc đáp Liên kết trực tiếp tới Chủ đề này Ngày đăng: 21/01/2014 lúc 9:15pm
đọc xong chắc tẩu hỏa nhập ma luôn
Quay lên trên
ga36da Xem...
Nhi đồng
Nhi đồng

nhắc lần 1(19/2/2014) viết bài không dấu

Gia nhập: 08/01/2014
Khu vực: thanhhoa
Tình trạng: Offline
Điểm: 41
Lựa chọn cho Bài viết Lựa chọn cho Bài viết   Lượt cám ơn (0) Lượt cám ơn(0)   Trích dẫn ga36da Trích dẫn  Phúc đápPhúc đáp Liên kết trực tiếp tới Chủ đề này Ngày đăng: 26/01/2014 lúc 9:27pm
 thang ham
Quay lên trên
ak_47 Xem...
Thanh niên
Thanh niên
Hình đại diện

Gia nhập: 11/05/2013
Khu vực: hà nội
Tình trạng: Offline
Điểm: 4335
Lựa chọn cho Bài viết Lựa chọn cho Bài viết   Lượt cám ơn (0) Lượt cám ơn(0)   Trích dẫn ak_47 Trích dẫn  Phúc đápPhúc đáp Liên kết trực tiếp tới Chủ đề này Ngày đăng: 04/04/2014 lúc 10:05am
rất tốn công sưu tầm. hay 
gà và đam mê
Quay lên trên
hunght Xem...
Sư kê
Sư kê
Hình đại diện

Gia nhập: 12/11/2012
Khu vực: VũThư_TháiBình
Tình trạng: Offline
Điểm: 7658
Lựa chọn cho Bài viết Lựa chọn cho Bài viết   Lượt cám ơn (0) Lượt cám ơn(0)   Trích dẫn hunght Trích dẫn  Phúc đápPhúc đáp Liên kết trực tiếp tới Chủ đề này Ngày đăng: 10/04/2014 lúc 7:46pm
Ban đầu được viết bởi hoathien hoathien viết:

CopY thôi mà.
copy nên một số chỗ ngta có liên kết link nhưng bạn chưa có và có ảnh nhưng bạn ko copy hết
dù sao cũng rất cảm ơn bạn vì bài viết,cũng rất bổ ích
     Hoàng Trọng Hùng
        0347554169
Mình là 1 người mới chơi gà
Nếu mình có nói gì làm bạn không vui thì mong bạn bỏ qua cho, vì cá nhân mình còn gà lắm, và mình có ý tốt thôi
Quay lên trên
duongngoclong08 Xem...
Thiếu niên
Thiếu niên
Hình đại diện

Gia nhập: 14/04/2014
Khu vực: dong nai
Tình trạng: Offline
Điểm: 2130
Lựa chọn cho Bài viết Lựa chọn cho Bài viết   Lượt cám ơn (0) Lượt cám ơn(0)   Trích dẫn duongngoclong08 Trích dẫn  Phúc đápPhúc đáp Liên kết trực tiếp tới Chủ đề này Ngày đăng: 18/04/2014 lúc 8:05am
Vừa đọc vừa nghĩ đến mấy con gà ở nhà...nhức hết cả đầu...tẩu hỏa nhập ma luôn nè!
Quay lên trên
Con_Gà_Già Xem...
Nhi đồng
Nhi đồng
Hình đại diện

Gia nhập: 03/04/2014
Khu vực: Miền Bắc
Tình trạng: Offline
Điểm: 361
Lựa chọn cho Bài viết Lựa chọn cho Bài viết   Lượt cám ơn (0) Lượt cám ơn(0)   Trích dẫn Con_Gà_Già Trích dẫn  Phúc đápPhúc đáp Liên kết trực tiếp tới Chủ đề này Ngày đăng: 18/04/2014 lúc 9:39pm
Rất hay , đọc nhiều r
Quay lên trên
 Phúc đáp Phúc đáp
  Chia sẻ Chủ đề   

Chuyển đến Chuyên mục Quyền tại Chuyên mục Xem...






Trang này được tạo ra trong 0.984 giây.